Sếp Qualcomm kè kè Bphone, khen kỹ sư Việt giỏi
03:48:00 | 24-11-2017

Tại sự kiện Internet Day 2017, ông Thiều Phương Nam - Tổng GĐ Qualcomm VN, Lào, Campuchia có lời khen ngợi các kỹ sư CNTT Việt Nam. Các tập đoàn công nghệ lớn thế giới đã có thể tuyển dụng họ thay vì thuê kỹ sư nước ngoài như trước đây.

Chia sẻ về nền kinh tế số, ông Nam cho biết, vấn đề quan trọng nhất vẫn là hạ tầng viễn thông di động. Trong đó, 4G là công nghệ quan trọng kết nối Internet đến vạn vật, mọi người do có độ phủ sóng rộng. Tuy đang là thời điểm chuyển qua công nghệ 5G, dù VN chưa triển khai nhưng không quá muộn để bắt đầu. Qualcomm hiện đang tài trợ nghiên cứu ảnh hưởng của 5G tới phát triển kinh tế. Tới 2035, 5G sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế mới, qua đó tạo ra những giá trị mới.

Ông Nam chia sẻ, các nhà mạng ở Ấn Độ rất quyết liệt lên 4G đến mức Qualcomm phải thiết kế điện thoại "cục gạch" chạy 4G cho riêng thị trường này. Các nhà mạng không duy trì song song nhiều hạ tầng mạng 2G, 3G, 4G như ở Việt Nam. Họ giải phóng băng tần 2G để vận hành mạng lưới tốt hơn. Chiếc điện thoại đặc biệt trên có giá 25 USD, dành cho những người "ghét" smartphone nhưng vẫn có thể truy cập Facebook, Whatapp...

Về thị trường máy tính, ông Nam tiết lộ, sau 2 năm Qualcomm làm việc với Microsoft để đưa ra máy tính chạy bản đầy đủ Windows 10 tích hợp vi xử lý Snapdragon, với PC chạy Snapdragon có thể xem video liên tục 30h; 2 ngày, người dùng mới phải sạc pin. Kết nối 4G sẽ như là một mặc định tích hợp trong máy tính. Khi bật PC lên, không cần phải qua bước khởi động máy. 

"Hy vọng những thay đổi đó giúp chúng ta có cảm hứng mới để mua máy tính. Đặc biệt, giá thành của mỗi chiếc máy tính như vậy không đắt hơn máy tích hợp chip Intel. Cuối năm nay sẽ có những mẫu máy tính như vậy được tung ra thị trường" - ông Nam khẳng định. 

Ông Thiều Phương Nam kè kè Bphone trên bàn làm việc.

Vị Tổng GĐ Qualcomm VN nhận định, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thiết kế sản xuất thiết bị di động lớn của thế giới. Mặc dù, để sản xuất một thiết bị công nghệ cao phải mất từ 10-15 năm kinh nghiệm, tuy nhiên Việt Nam bắt nhịp rất nhanh. Ông Nam đưa ra ví dụ bằng Bphone. Bphone 2017 đã có những thay đổi lớn so với đời đầu. Tuy còn cần giải quyết những vấn đề như xây dựng thương hiệu, lấy niềm tin người tiêu dùng, từ đó họ mới mua sản phẩm. Tổng GĐ Qualcomm VN hiện sử dụng Bphone làm chiếc điện thoại liên lạc chính trong công việc. 

Về trình độ của các kỹ sư CNTT, ông Nam cho rằng, kỹ sư CNTT Việt không thua kém các kỹ sư nước ngoài.

"Chúng ta có những nhà lập trình game hàng đầu thế giới, hay ngay khi iPhone X ra mắt Face ID đã bị qua mặt dễ dàng... Nhưng các kỹ sư cần cập nhật công nghệ mới khi mà những điều này không được dạy ở trường đại học..." - ông Nam nói.

Theo: Lao Động