“Không quyết liệt kết quả sẽ làng nhàng”
09:34:00 | 25-02-2013

Hơn 5 năm trước, tại thời điểm Việt Nam mới gia nhập WTO và mở cửa thị trường dịch vụ, không ít doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) tỏ ra bi quan khi nghe tiếng mấy "ông lớn" tấn công thị trường nội địa. Không chỉ người dùng, mà ngay cả cộng đồng tin học đều nghi ngờ phần mềm "made in Vietnam" và cho rằng sản phẩm nước ngoài tốt hơn. Công ty An ninh mạng Bkav cũng bị hoài nghi. Thực tế diễn ra sáng sủa hơn tưởng tượng, các công ty nội địa có sản phẩm tốt vẫn rất vững, riêng Bkav tăng tốc nhanh và đứng số một tại Việt Nam trong lĩnh vực mũi nhọn của họ.

Năm 2001, khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, Vũ Ngọc Sơn "tình cờ" gia nhập ngôi nhà Bkav. Gắn bó hơn 10 năm và được xem là thế hệ đầu tiên tại Bkav, ngoài 30 tuổi Sơn đã nắm Bộ phận quan trọng trong công ty, là Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển. Báo Đàn Ông trao đổi với Vũ Ngọc Sơn để giải đáp câu hỏi: Bkav là công ty trẻ với những con người trẻ, họ làm thế nào để thích ứng trong môi trường cạnh tranh khốc liệt với các phần mềm có vị trí toàn cầu?

Kinh nghiệm ở các DN thành công đều căn cứ đặc thù để xây dựng các tiêu chuẩn về văn hóa trong DN, ở Bkav điều đó thể hiện như thế nào, thưa ông?

Tại Bkav, từng công việc, hành động đều có luật lệ với những bộ quy định dài đến mấy trăm trang. Nhân viên mới, lúc đầu có thể choáng bởi bộ luật lệ đó, nhưng càng tham gia mọi người mới thấy các quy định đó hết sức đơn giản, ở chỗ mình nghĩ thế nào là đúng thì làm thế đó.

Chắc không có công ty nào giống Bkav quy định nhân viên khi phát hiện những vấn đề cơ sở vật chất, như cây cành vướng lối đi, vòi nước trong nhà vệ sinh bị hỏng, hay điều hòa quá nóng… có trách nhiệm báo lên người phụ trách. Bkav quan niệm đến công ty như ở nhà và mọi người cần có ý thức như ở nhà. Đó là yêu cầu tối thiểu về trách nhiệm – ý thức đối với ngôi nhà chung là công ty. Đơn giản như cái điều hòa nóng anh biết anh không kêu để sửa, tức là nó ảnh hưởng hiệu suất làm việc…

Hay quy định tại Bkav mọi người không nói xấu sau lưng. Nếu có việc thì nói trực tiếp với đối tượng liên quan hoặc phản ánh với người phụ trách trực tiếp để phân xử xem đúng hay sai. Việc "buôn chuyện", người nghe không hiểu ngữ cảnh dễ dẫn đến hiểu càng xa sự thật hơn. Bản thân người "buôn chuyện" như vậy cũng nhiễm cho mình một thói quen xấu là nói những thứ không căn cứ…

Thói quen người VN không phải dễ thay đổi, Bộ quy định của Bkav là hướng nhân viên vào mục tiêu chung, nhưng công ty có thể đo đếm tỷ lệ thích ứng của nhân viên?

Thực ra việc này công ty cũng xác định phải rèn luyện lâu dài. Thời gian đầu chỉ yêu cầu nhân viên thực hiện các quy định, quy tắc tối thiểu, theo thời gian yêu cầu phải cao hơn. Đơn cử lúc đầu yêu cầu đối với nhân viên là các chuẩn mực hành chính như giờ làm việc, chế độ báo cáo, các mẫu văn bản… sau đó nâng lên các quy tắc về phương pháp làm việc.

Đôi khi, các phương pháp làm việc không được định nghĩa trong văn bản, cùng một công việc anh có thể thực hiện cách này hay cách kia nhưng có chung một kết quả, nếu bắt buộc sẽ hạn chế tính sáng tạo. Nhưng vẫn cần có một chuẩn mực, nếu không rất khó để đánh giá kết quả tốt hay chưa và ở mức độ nào.

Do đó, Bkav có những quy định mang tính mấu chốt, tức là anh đi vòng này vòng kia nhưng đến thời gian anh phải ra đúng chỗ, trong công ty gọi là "KQKL" – dịch đủ ra là "không quyết liệt kết quả làng nhàng". Tức là, mình cần đặt mốc thời gian, công việc này anh phải đến lúc này hoặc có kết quả hoặc có báo cáo lý do tại sao không ra kết quả, hướng giải quyết tiếp theo như thế nào?

Trong công việc của Bkav đòi hỏi tư duy logic. Khi tư duy, cũng giống mình vẽ cây đồ thị, lúc đi nhánh này nhánh kia, nếu không quyết liệt thì có thể hôm nay mình đến nơi, vì một số lý do cá nhân nào đó như cuộc hẹn bóng đá chẳng hạn, anh gác lại việc đó… Nếu anh quyết liệt lúc đó, chỉ cần dấn thêm 10 phút nữa là đã hoàn thành công việc, nhưng do anh không quyết liệt nên có thể cùng một việc lẽ ra kết thúc đã kéo dài thêm nhiều ngày.

Ở Bkav, người quản lý muốn nhìn thấy anh quyết tâm, anh nỗ lực nhưng nỗ lực hết sức rồi mà việc không thành thì anh không bị xử lý gì cả. Nếu kết quả do anh chưa hết sức, quản lý sẽ phân tích ra xem thực sự anh làm công việc đó đã quyết liệt chưa, nếu ngày nào anh cũng chỉ làm đến bước thứ 9 trong 10 bước thì anh cần thay đổi.

Quan trọng là mỗi nhân viên nhận rõ phần công việc của mình và điều đó nâng cao hiệu suất làm việc của từng cá nhân cũng như cả tập thể.

Có thể hiểu các yêu cầu của Bkav nhằm thúc đẩy năng suất và hiệu quả công việc, đây cũng là cách làm ở nhiều nơi, ông có thể đưa ra so sánh với các công ty cùng ngành?

Chúng tôi đã tuyển dụng những nhân sự từng làm cho doanh nghiệp khác, và một trong những đặc điểm chung  là các bạn mới vào làm thời gian khoảng một tháng đầu tiên thường hơi hoảng sợ về cường độ làm việc ở Bkav cao quá. Sau một thời gian làm quen, các bạn sẽ thấy thích nghi và nhận thấy thời gian có ý nghĩa hơn. Con người Bkav đều trẻ cả, mà tuổi trẻ đã muốn nhàn nhã thì không làm cái gì lớn được.

Môi trường làm việc tại Bkav đòi hỏi như vậy. Bkav đang theo đuổi lĩnh vực mới đối với cả thế giới chứ không chỉ Việt Nam là an ninh mạng. Nếu không nỗ lực, không tự đặt cường độ cao thì không đi đến đâu hết. Một lĩnh vực sản xuất không đòi hỏi quá nhiều về tư duy logic và rèn luyện bản thân thì anh có thể bình bình cũng làm được, nhưng lĩnh vực này đòi hỏi sự sáng tạo cao, tư duy nhiều, không nỗ lực sản phẩm làm ra không đảm bảo chất lượng và nó không cạnh tranh được, nhất là trong hoàn cảnh nền tảng chung ở ta là thấp.

Trong điều kiện "nền tảng thấp" nên Bkav bị hoài nghi về khả năng cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm đã có vị trí trên thị trường quốc tế?

Có thể chia sẻ thế này, khi Bkav mới thương mại hóa không ít người ôm thái độ nghi ngờ, cho rằng Việt Nam không làm được sản phẩm có thể cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài. Nếu trước đấy, mọi người nói là không thì bây giờ, sau khi Bkav cạnh tranh tốt, chiếm lĩnh thị trường thì một số người vẫn nói là khó. Đó là người bên ngoài, còn trong công ty mọi người hiểu rõ ưu thế sản phẩm của mình so với nước ngoài là thế nào.

Gần đây nhất, Bkav đưa ra phần mềm bảo vệ Smartphone. Mảng này là mới đối với các hãng an ninh mạng trên thế giới, Bkav có cùng xuất phát với họ, công ty đưa ra sản phẩm là phần mềm chặn tin nhắn rác, các phần mềm trên thế giới không sản phẩm nào chặn được 100%, nhưng với Bkav Mobile Security với công nghệ lọc thông minh Smart Filter đã chặn được 100% tin nhắn rác đang gây khó chịu cho người dùng trong nước.

Ở đây thấy rõ, cũng vấn đề đó nếu cùng làm thì mình hơn người ta, không chỉ hơn hiệu quả mà hơn cả nền tảng công nghệ. Bkav đã dùng thử sản phẩm tương tự của nước ngoài và có so sánh, nhận thấy nền tảng công nghệ mình có ưu thế.

Chính vì thế, hãng Sony đã tích hợp Bkav Mobile Security trong các smartphone của họ bán tại Việt Nam. Một số hãng bán lẻ điện thoại di động lớn cũng ký hợp đồng hợp tác với Bkav về việc tích hợp phần mềm này trên sản phẩm họ bán ra.

Trong số các công ty phần mềm tại Việt Nam, một số phát triển nhanh và có dư tiền để đầu tư mở rộng lĩnh vực khác, Bkav có làm điều đó?

Việc mở rộng hoạt động đối với Bkav là nhu cầu tự nhiên chứ Công ty không cố gắng để mở rộng. Tất cả đều xoay quanh công nghệ lõi mà Bkav đang sở hữu. Khi mà ta có được công nghệ lõi thì tùy hoàn cảnh, thời điểm thấy có thể ứng dụng vào lĩnh vực gì, sản phẩm gì thì tự nhiên công ty mở ra lĩnh vực đó thôi. Có sở hữu công nghệ lõi thì Bkav tính được tương lai công nghệ sẽ đi đến đâu, giúp cho con người sử dụng có được sản phẩm gì tốt. Ví dụ, trước đây Bkav chưa nghĩ sẽ phải làm phần mềm bảo vệ điện thoại di động, nhưng với bước tiến về công nghệ, điện thoại ngày càng giống máy tính, nên từ công nghệ lõi là phần mềm diệt virus trên máy tính, Bkav phát triển cho smartphone. Hay lĩnh vực chữ kí số, trước đó Bkav chưa làm nhưng nay trở thành dịch vụ nổi bật của công ty…

Là người phụ trách nghiên cứu và phát triển của Bkav, ông có đánh giá thế nào về lĩnh vực này tại Bkav?

Khi Bkav mới đi vào kinh doanh phần mềm diệt virus, có một số quỹ đầu tư gợi ý góp vốn. Lãnh đạo công ty họp lại thảo luận có phải mình thiếu tiền không? Kết luận vấn đề của Bkav không phải là tiền, mà là cần thời gian: thời gian để sản phẩm khẳng định vị trí, thời gian để đầu tư cho con người. Nên nhớ, nhân sự không có sẵn, vì không có trường đại học nào ở VN đào tạo về an ninh mạng, tự đào tạo thì không nhanh được. Quan trọng chính là trí tuệ, về máy móc cũng không tốn quá nhiều tiền.

Đặc thù trong lĩnh vực phần mềm là làm đến đâu khai phá thị trường đến đó và tự mình làm. Ví dụ, người dùng máy tính Việt Nam có thói quen dùng phần mềm miễn phí, do đó, mình phải khai phá thị trường, làm sao người ta hiểu dùng phần mềm có phí sướng hơn phần mềm miễn phí. Cái này cần có thời gian.

Có thể tưởng tượng cỗ máy Bkav vận hành cao độ để thích ứng, cá nhân ông có cho rằng cần trang bị thêm những kỹ năng khác cho bản thân và nhân viên?

Trong lĩnh vực công nghệ thường là sản phẩm do mình làm ra thì mình hiểu rõ hơn ai hết tức là chính mình hiểu cần giới thiệu quảng bá sản phẩm đến với người dùng. Đôi khi còn là niềm tin nữa, nói đơn giản, nếu anh không có dòng code trong sản phẩm thì sao anh hiểu sản phẩm để giới thiệu tới người dùng.

Một điều rất quan trọng là phần mềm có tính liên tục. Đối với Bkav, quy trình là hôm nay anh ra sản phẩm mới tức là anh đã phải bắt tay vào thực hiện phiên bản tiếp theo, với những công nghệ mới hơn.

Như tôi đã nói, khi mình khai phá thị trường và làm cho thị trường sôi động lên, lúc đó mình có nhiều cơ hội và động lực để phát triển nhiều sản phẩm hơn nữa, và khi có sản phẩm rồi thì lại có nhu cầu phát triển thị trường để sản phẩm có chỗ đứng.

Ông kì vọng gì ở công việc hiện tại cũng như tương lai? Là tiền bạc, vị thế hay chứng minh giá trị bản thân?

Lúc phỏng vấn tuyển nhân sự mới, tôi luôn nhắc các ứng viên về slogan của Bkav "Hãy làm việc hết mình những đều tốt đẹp sẽ đến với bạn".

Các phần mềm của Bkav cũng ra đời theo tinh thần như vậy, tức là cứ hết mình đi, làm sao có sản phẩm tốt nhất cho khách hàng, đừng vội tính toán lợi nhuận. Nếu ra một sản phẩm mà anh vội vàng tính lợi nhuận thì không thể xây dựng một sản phẩm tốt, một hệ thống chăm sóc khác hàng tốt được. Đối với sản phẩm liên quan an ninh mạng, anh không có uy tín thì cũng thất bại.

Tôi cho rằng chỉ cần sản phẩm tốt thì thị trường sẽ có hồi báo xứng đáng.

Nhưng với cá nhân thì sao, nỗ lực và hồi báo có song hành?

Theo tôi, muốn thành công, không có công ty nào không trao những thứ tốt đẹp cho những người đã làm việc hết mình. Nhu cầu mỗi người là vô cùng, nhưng cá nhân tôi thấy hạnh phúc với công việc hiện nay.

Cảm ơn ông!

Theo Đàn Ông, Bkav