Vụ tấn công Vietnam Airlines: hacker đã sử dụng virus
10:59:00 | 01-08-2016

Đây là nhận định của ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng Bkav về việc trang web chính thức và hệ thống thông tin sân bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bị hacker tấn công chiều 29/7 vừa qua. Hacker đã thay đổi hoàn toàn giao diện trang chủ, đồng thời đăng tải lên màn hình thông tin thông báo chuyến bay ở hai sân Nội Bài và Tân Sơn Nhất những hàng chữ Trung Quốc với nội dung xuyên tạc về tình hình biển Đông.

Đến hơn 17 giờ chiều, trang web của Vietnam Airlines đã có thể truy cập lại bình thường. Tuy nhiên, một lượng dữ liệu hơn 90 Mb đã bị các tin tặc phát tán trên mạng, trong đó có một bảng danh sách ước tính hơn 400.000 tài khoản của những hội viên Vietnam Airlines với đầy đủ thông tin như ngày gia nhập, điểm tích lũy, ngày hết hạn...

Nhận định về sự việc trên, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng Bkav cho biết: "Việc website bị tấn công thay đổi giao diện và hệ thống âm thanh, màn hình thông báo tại nhà ga bị chiếm quyền cho thấy hacker đã xâm nhập được sâu vào hệ thống. Khả năng lớn là máy quản trị viên đã bị kiểm soát, theo dõi bởi phần mềm gián điệp (spyware). Đây là cách thức tấn công không mới, thông thường các phần mềm gián điệp lợi dụng lỗ hổng an ninh trong file văn bản (Word, Excel, Power Point) để phát tán. Các phần mềm gián điệp này không phải là những virus lây nhiễm một cách ngẫu nhiên vào hệ thống mà được phát tán một cách có chủ đích".

Một kịch bản tấn công đơn giản thường được hacker sử dụng để phát tán phần mềm gián điệp là gửi email đính kèm file văn bản. Nội dung và địa chỉ của các email này là có thật, nội dung file đính kèm cũng là có thật nhưng máy tính người dùng bị nhiễm virus do trong file có chứa sẵn phần mềm gián điệp. Khi các file văn bản này được mở, phần mềm gián điệp sẽ xâm nhập, kiểm soát máy tính. Chúng ẩn náu bằng cách giả dạng các phần mềm phổ biến như Windows Update, Adobe Flash, Bộ gõ Unikey, Từ điển… và chỉ hoạt động khi có lệnh của những kẻ điều khiển nên rất khó phát hiện. Các mã độc này âm thầm đánh cắp thông tin gửi về máy chủ điều khiển hoặc nhận lệnh để thực hiện các hành vi phá hoại khác.

"Cụ thể trong vụ việc này, thông qua các máy tính đã bị mã độc kiểm soát, hacker có thể cấu hình thay đổi tên miền của website để trỏ về trang web giả mạo, cấu hình thay đổi thông tin hiển thị trên màn hình và nội dung trên hệ thống loa phát thanh thông báo…", ông Ngô Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Khách hàng của Vietnam Airlines nên đổi lại mật khẩu tài khoản của mình. Đặc biệt, cần đổi các tài khoản khác có sử dụng chung mật khẩu với tài khoản trên hệ thống của Vietnam Airlines, vì sau khi có thông tin mật khẩu, hacker có thể tiến hành kiểm tra và chiếm các tài khoản khác của người dùng, nếu sử dụng chung mật khẩu. Đồng thời, người dùng không nên tải file danh sách tài khoản bị lộ trên internet về máy tính của mình để tra cứu thông tin, vì rất có thể file này đã bị "nhúng" mã độc nhằm theo dõi người sử dụng.

Để phòng ngừa bị lây nhiễm mã độc từ các file văn bản, Bkav khuyến cáo người sử dụng nên mở các file văn bản nhận từ Internet trong môi trường cách ly và cài phần mềm diệt virus thường trực trên máy tính để được bảo vệ tự động. Bên cạnh việc dùng các biện pháp phòng tránh bằng công nghệ, người dùng phải nâng cao nhận thức, không mở các tập tin/đường link của người lạ gửi tới.

Thời gian qua số vụ tấn công mạng ngày càng tăng cả về quy mô và mức độ nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại. Theo thống kê của Bkav, tại Việt Nam, trung bình mỗi tháng lại có hơn 300 website của các doanh nghiệp, tổ chức trong nước bị tấn công.

Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp không chuyên về CNTT còn lơ là, chưa đầu tư tập trung và nghiêm túc cho việc đảm bảo an ninh an toàn thông tin.

Để đảm bảo an toàn, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phi CNTT, cần thực hiện những biện pháp rà soát bảo vệ trước những cuộc tấn công có thể xảy ra. Bên cạnh việc trang bị thiết bị an toàn, an ninh tốt, thì cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Các doanh nghiệp cũng cần áp dụng quy trình kiểm tra hệ thống thường xuyên, trang bị giải pháp cảnh báo về những mối nguy tiềm ẩn nhằm đảm bảo cho hoạt động thông suốt của hệ thống.

Theo kinh nghiệm của Bkav, bên cạnh sự chuẩn bị tốt về nhân lực, trang thiết bị thì việc điều phối ứng phó an ninh mạng cũng là điều cực kỳ quan trọng. Chúng ta có con người, có thiết bị an ninh mạng nhưng trong trường hợp xảy ra sự cố mà không huy động các nguồn lực đó và không có kịch bản để ứng phó thì toàn bộ hệ thống về con người, thiết bị đó đều không có giá trị. Cần thường xuyên tổ chức diễn tập với kịch bản cụ thể về phương án ứng cứu sự cố an ninh mạng, giống như các cuộc diễn tập về cứu hỏa, phòng cháy chữa cháy định kỳ thường niên.

Đặc biệt, trong một dự án IT, cần đầu tư ít nhất từ 5 đến 10% cho an ninh mạng, nếu không hệ quả tất yếu là hệ thống bị xâm nhập, bị đánh cắp dữ liệu. Việc khắc phục rất tốn kém và mất nhiều thời gian.

Bkav