Nhận về không ít chỉ trích sau mỗi lần phát ngôn, nhưng thay vì lảng tránh, người đứng đầu Bkav chọn cách đối diện, coi đây là những lần “thử lửa” để tìm ra giá trị của “vàng”.
Trong 10 năm phần mềm diệt virus Bkav phát hành miễn phí, Nguyễn Tử Quảng nhận lời khen “tuổi trẻ tài cao”, còn sản phẩm được yêu thích rộng rãi. Năm 2005, khi phần mềm diệt virus này được thương mại hóa cùng loạt tuyên bố gây sốc như “Bkav là phần mềm diệt virus số một thế giới”, “Bkav đi trước cả Microsoft, Google”…, câu chuyện dần chuyển sang chiều hướng khác. Biệt danh “Quảng Nổ” của vị CEO 7X cũng ra đời từ đây.
Ngày 26/5/2015, tập đoàn công nghệ Việt lần đầu ra mắt smartphone với đầy ắp sự tự tin: “Bphone mang những tính năng, thiết kế, cấu hình hàng đầu thế giới”. Từ chiếc di động gây tranh cãi nhất làng công nghệ, 5 năm sau, Bkav cho ra đời liên tiếp 4 thế hệ Bphone với nhiều nâng cấp.
Không dừng lại ở smartphone - thiết bị được cho là hội tụ mọi tinh hoa công nghệ, Bkav liên tục chinh phục các lĩnh vực mới, từ smarthome, chữ ký số, cung cấp hệ thống phần mềm đến sản xuất phần mềm cho bên thứ 3… Không ít người cho rằng Bkav là tập đoàn công nghệ “ngông”, được dẫn dắt bởi một vị lãnh đạo thích “nổ”.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, trong buổi trò chuyện cùng Zing, ông Nguyễn Tử Quảng không hề bác bỏ biệt danh cộng đồng mạng dành cho mình, mà cho rằng đây là một thương hiệu cá nhân và ẩn sau đó là câu chuyện khác về khát vọng của Bkav.
- Trong các sự kiện ra mắt, ông không ngại sử dụng những tính từ như "đẹp nhất", "tốt nhất". Bản thân ông có thật sự tin tưởng sản phẩm của mình đứng đầu và tốt hơn đối thủ? Điều gì giúp ông có được niềm tin như vậy?
- Những gì tôi nói đều xuất phát từ suy nghĩ của bản thân. Tôi cho rằng, làm việc gì cũng phải tổ chức thực hiện bài bản, chuyên nghiệp nhất. Khi đã bắt tay làm và đạt được kết quả thì chẳng cớ gì không tự tin cả.
Tất nhiên, một sản phẩm cần trải qua nhiều quá trình để hoàn thiện. Sản phẩm có lỗi này, lỗi kia là chuyện thường gặp trong làng công nghệ. Cũng như phần mềm diệt virus, chúng ta chỉ có thể viết ra chúng khi virus xuất hiện, lỗi phát sinh là để tìm ra cách khắc phục và hoàn thiện.
- Bkav là một trong số ít công ty công nghệ Việt Nam góp mặt và để lại sản phẩm đình đám ở nhiều lĩnh vực. Đâu là tiêu chí và động lực để Bkav “dấn thân” vào các lĩnh vực mới?
- Những việc nào hữu ích cho xã hội và sử dụng đến công nghệ thì Bkav sẽ làm. Chúng tôi rất tâm huyết với các vấn đề của xã hội. Mặt khác, chúng tôi nhận thấy người Việt Nam có năng lực đặc biệt trong công nghệ nhưng chưa được phát triển đúng mức, vì vậy mọi vấn đề công nghệ Bkav đều tham gia.
- Làm vì xã hội có vẻ “to tát”. Có khi nào ý tưởng sản phẩm Bkav đến từ nhu cầu của một cá nhân?
- Nếu nói một người tự nhiên làm mọi thứ vì xã hội thì không hẳn đúng. Tất cả con người trên Trái Đất này đều vì họ trước, đó là bản năng. Tôi cũng vậy. Vì đam mê công nghệ, tôi cảm thấy vô cùng thoải mái khi được làm công việc hiện giờ. Nhưng vấn đề là công việc ấy gắn với xã hội như thế nào? Khi làm, mọi người sẽ dần nhận ra ý nghĩa xã hội trong công việc của mình, và Bkav đã làm được điều đó: Mọi điều đều hướng đến xã hội.
Lấy ví dụ về lĩnh vực đầu tiên của Bkav, năm 1995, virus máy tính lây khắp mọi nơi ở Việt Nam và không có cách nào để xử lý. Lúc đó, tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó và bắt tay viết phần mềm diệt virus, sau đó cung cấp miễn phí. Hay như với lĩnh vực phần cứng, tôi thấy vấn đề vệ sinh công cộng ở Việt Nam rất kém, trong khi các quốc gia phát triển như Nhật Bản dùng thiết bị tự động nên rất văn minh. Tôi muốn sản xuất công nghệ tự động như vậy để làm sạch nhà vệ sinh. Kết quả là thiết bị dội nước tự động ra đời. Có thể nhiều người không biết, đây chính là thiết bị phần cứng đầu tiên của Bkav.
Dần dần, chúng tôi làm thêm nhiều thiết bị phần cứng như smarthome, smartphone để Việt Nam có thể làm chủ nhiều công nghệ, không cần nhập khẩu và có thể trở thành quốc gia hàng đầu ở lĩnh vực này. Những gì tôi vừa nói đều khởi điểm từ mong muốn cá nhân, nhưng sau đó là nhân rộng để phục vụ xã hội. Cuối cùng, mục đích phục vụ xã hội vượt lên trên tất thảy.
- Trong nhiều bài phỏng vấn, ông thường nhắc đến việc thúc đẩy ngành công nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng do cách nói của mình, từng có người cho rằng Nguyễn Tử Quảng nói khích một thương hiệu nội địa khác. Ý đồ thật sự của ông là gì?
- Thực ra, những điều đó tôi đã nói từ khoảng chục năm trước, khi Bkav chưa có đối thủ. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, là một trong những nước có dân số trẻ, và khả năng tư duy toán học tốt. Đây đều là những giá trị cốt lõi và thuận lợi để phát triển công nghệ thông tin. Thực tế, những gì Bkav làm đều có thể cạnh tranh “sòng phẳng” với thế giới. Điều tôi muốn chỉ là nhân rộng nó ra, để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia hùng cường nhờ phát triển công nghệ.
Tất cả cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc đều có nền công nghệ phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp smartphone. Nếu có thể làm chủ ngành công nghệ đó, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành một cường quốc.
- Để đạt được tham vọng vừa nói, theo ông, Bkav cần chuẩn bị những gì?
- Tôi nghĩ là ai cũng nhìn thấy điều này. Hơn 10 năm qua, Bkav vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu trên. Năm 2009, chúng tôi bắt tay sản xuất smartphone và phải đến hơn 6 năm sau mới có thể ra mắt phiên bản đầu tiên. Bây giờ, chất lượng sản phẩm đang dần được khẳng định, chúng tôi có thể ra mắt các mẫu điện thoại mới hàng năm, thậm chí nhiều phiên bản trong cùng một năm. Niềm tin người dùng theo đó cũng lớn dần.
- Dịch Covid-19 làm thị trường đi xuống, doanh số của những mẫu máy cao cấp đều tụt thảm hại. Điều này có ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển smartphone mới của Bkav?
- Với Bkav thì không. Bài toán lớn nhất của chúng tôi hiện nay là thay đổi định kiến và ưu tiên xây dựng lòng tin của người dùng trong dịch vụ khách hàng, hoàn thiện chuỗi cung ứng…
Mặt khác, chúng tôi thấy cơ hội ở đây. Cụ thể, khi người dùng đang thắt chặt hầu bao và hướng đến sản phẩm có tính thực dụng, thì Bphone ở phân khúc cận cao cấp với đầy đủ dáng dấp của một chiếc flagship có thể chinh phục họ.
- Nhưng Bkav vẫn có ý định ra mắt Bphone phiên bản cao cấp?
- Đúng vậy, đây lại là câu chuyện khác. Thị trường smartphone có đủ dải phân khúc để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Những người thu nhập ở mức cao nhất luôn có nhu cầu sở hữu flagship công nghệ tốt - đẹp - độc. Thực tế, 1/2 số tiền họ bỏ ra để sắm flagship nhằm thoả mãn yếu tố cảm xúc. Trong khi đó, bộ phận khác hướng đến tính thực dụng và một nhóm nhỏ chỉ cần các tính năng nghe gọi, lướt web thông thường.
Chúng tôi muốn Bphone tiếp cận mọi phân khúc người dùng, để tất cả được trải nghiệm và tin rằng sản phẩm công nghệ Việt Nam đủ sức cạnh tranh “sòng phẳng” với nhiều quốc gia khác.
- Bài toán định kiến chưa giải quyết xong, ông có nghĩ Bphone phiên bản cao cấp sẽ tạo được chỗ đứng?
- Không phải sản phẩm cao cấp thì kén khách hàng hơn, lượng mua sẽ giảm và không thay đổi được định kiến. Phân khúc nào cũng có khách hàng tương ứng. Mục đích chúng tôi hướng đến khi ra mắt phiên bản cao cấp là sự khẳng định về công nghệ. Từ cận cao cấp, chúng tôi có thể vươn lên làm thiết bị cao cấp và sau đó là giá rẻ. Nếu bắt đầu từ điện thoại giá rẻ, sẽ khó sở hữu công nghệ tiệm cận cao cấp và định vị thương hiệu cũng vậy. Một thiết bị giá rẻ sẽ đi kèm chất lượng tương ứng, đến khi làm sản phẩm cao cấp, tự phá bỏ định kiến do mình tạo ra còn khó hơn.
Ở đây, chúng tôi giải quyết hai định kiến. Một là, Việt Nam có thể làm smartphone hay không? Và hai là, nếu làm thì chất lượng sẽ như thế nào? Câu trả lời của Bkav rất rõ ràng: Việt Nam có thể làm smartphone, và chúng ta hoàn toàn có thể làm sản phẩm cao cấp.
- Nói cách khác thì việc sản xuất smartphone là cách Bkav khẳng định sản phẩm công nghệ Việt Nam có thể cạnh tranh “sòng phẳng” với các cường quốc khác?
- Đúng thế. Tôi không phủ nhận.
- Vậy theo ông, thời gian tới, thiết bị công nghệ Việt Nam có thể thay thế toàn bộ sản phẩm từ nước ngoài hay không?
- Smartphone là tinh hoa của công nghệ. Trong các câu chuyện công nghệ hàng ngày, phần lớn đều nói về thiết bị này. Đã làm được smartphone, người ta có thể làm máy tính, tablet, TV, camera và mọi thiết bị điện tử khác. Đó là lý do nhiều năm qua chúng tôi bỏ rất nhiều tâm huyết, tiền của để làm smartphone. Nếu thành công, những thứ khác trở nên rất đơn giản và chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi diện mạo ngành công nghệ của đất nước.
Nhiều người Việt đã tin tưởng dùng smartphone do Việt Nam sản xuất. Trong tương lai, tất cả thiết bị khác cũng vậy. Điều này sẽ tạo ra một sự bùng nổ từ cả phía nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
- Ông không sợ phát ngôn này tiếp tục bị cho là "nổ"?
Nhiều người Việt đã tin tưởng dùng smartphone do Việt Nam sản xuất. Trong tương lai, tất cả thiết bị khác cũng vậy. Điều này sẽ tạo ra một sự bùng nổ từ cả phía nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
- Tôi đã quen rồi (cười). Những lời chỉ trích đối với sản phẩm, cá nhân là sự phản biện cần thiết để Bkav không ảo tưởng, luôn cân bằng và có động lực đi tiếp. Còn ném đá, còn tranh cãi là còn năng lượng. Vấn đề là ném đá theo hướng nào. Nếu thay đổi được định kiến thì năng lượng tiêu cực sẽ chuyển hóa tích cực.
Tôi lấy ví dụ với Bluezone, trong hoàn cảnh dịch bệnh có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, thành quả nhận về vô cùng lớn. Chỉ trong vài tuần, Bluezone đã có 23 triệu người dùng.
Đó là một ví dụ cho thấy những gì người Việt có thể làm. Nếu mọi người đồng lòng thì các lĩnh vực khác cũng sẽ như vậy. Còn không, sẽ phải trả lời bằng thời gian và công thức. Chúng tôi vẫn làm điện thoại, an ninh mạng từ hàng chục năm nay… rồi một ngày nào đó cũng sẽ có kết quả thôi. Tôi tin là như vậy.
- Bphone đã “xuất ngoại” sang Myanmar. Mới đây, camera AI cũng được xuất khẩu sang Ấn Độ. Vì sao có bước đi táo bạo này, thưa ông?
- Myanmar là trường hợp đặc biệt, mới mở cửa và là thị trường tiềm năng cho hầu hết thương hiệu. Thêm nữa, Việt Nam có thương hiệu viễn thông đứng thứ 2 thị trường ở xứ chùa vàng. Bkav có đủ điều kiện thuận lợi.
Với camera AI, cơ hội này cũng đến từ smartphone. Như đã nói, smartphone là tinh hoa của công nghệ. Từ smartphone có thể làm camera tích hợp trí tuệ nhân tạo. Các hãng khác trên thế giới làm theo cách truyền thống, từ camera lên smartphone, còn Bkav thì ngược lại. Chúng tôi còn có sự đồng hành của Qualcomm. Họ cung cấp chip, vi xử lý và rất tích cực hỗ trợ Bkav xuất khẩu camera AI sang nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Mỹ, Phần Lan, Mexico, Singapore…
Đây cũng là cơ hội tốt để chúng tôi phá bỏ định kiến. Khi khẳng định được tên tuổi ở nước ngoài, việc xóa bỏ định kiến trong nước sẽ dễ dàng hơn.
- Nhưng sẽ có một bộ phận khác cho rằng việc này giống như “học chạy trước khi học bò”. Khi chưa thể chinh phục thị trường trong nước, ông có sợ thất bại ở xứ người?
- Mọi người hay nói đến trình tự học bò rồi mới tập đi, tập chạy, nhưng tâm lý thị trường không như vậy. Nếu bắt đầu từ bước "học bò", người tiêu dùng sẽ hình thành ngay định kiến về khả năng của doanh nghiệp. Đôi khi, phải khẳng định mình “bay, nhảy” trước đã, biết “bay nhảy” hiển nhiên sẽ biết “bò”, nhưng biết “bò” thì chưa chắc có thể “bay nhảy”.
Lấy ví dụ trong ngành thời trang, rất nhiều tên tuổi ngay từ những sản phẩm đầu tiên ra mắt đã định vị là hàng hiệu, xa xỉ bằng cách đầu tư cho chất lượng, dịch vụ, hình ảnh. Một số hãng smartphone cũng vậy, bằng việc đính kim cương, mạ vàng, mỗi chiếc điện thoại bán ra có thể lên đến hàng tỷ đồng. Đi từ cao cấp trước rồi mới đánh chiếm phân khúc thấp hơn, đó là cách nhiều thương hiệu thành công trên thế giới đã làm.
- Mỗi lần ra mắt sản phẩm mới hoặc xuất hiện trên truyền thông, Bkav hoặc bản thân ông thường gây tranh cãi về phát ngôn. Vì sao Bkav lựa chọn cách truyền thông như vậy?
- Tôi có niềm tin sâu sắc vào những gì mình làm, cũng như khả năng phát triển công nghệ của người Việt Nam. Tất cả thiết bị, sản phẩm của Bkav muốn đến tay người tiêu dùng đều phải trải qua quá trình thực hiện rất bài bản, cả về công nghệ, chi phí lẫn sự kiên trì của từng cá nhân trong tổ chức.
Song, phần lớn người Việt vẫn còn định kiến, rằng chúng ta không thể có những sản phẩm công nghệ cạnh tranh được với các công ty, tập đoàn trên toàn thế giới. Điều này cũng dễ hiểu bởi xung quanh chúng ta không có những sản phẩm như vậy. Chúng tôi chỉ khao khát thay đổi định kiến và hiểu rằng để thay đổi được, nhất định phải thành công. Mà thay đổi định kiến là câu chuyện dài, không thể làm trong ngày một, ngày hai. Khi một phía rất tin, còn một phía rất không tin, phản ứng xảy ra là điều tất yếu.
Nhận ra điều này rồi, tôi tiếp nhận biệt danh “Quảng Nổ” như một thương hiệu, dẫu rằng ngày đầu không tránh khỏi bức xúc, mình cũng là con người mà, không nao núng sao được (cười). Vẫn chữ “Nổ” ấy, nhưng người tin tưởng sẽ nghĩ đến theo một khía cạnh hài hước, vui vẻ, còn người chưa tin tưởng sẽ đón nhận theo cách cực đoan. Nhưng đó cũng không phải vấn đề, theo thời gian, mọi người sẽ chuyển dần từ thái cực xấu sang tốt, thậm chí rất tốt. Tôi tin như vậy.
- Khi ra mắt những thế hệ Bphone đầu tiên, ông từng chịu áp lực từ sự chỉ trích, thậm chí "không dám đọc báo" cả tháng sau đó. Ông đã đối diện với áp lực như thế nào để tiếp tục ra mắt 2 mẫu Bphone nữa?
- Mọi việc tôi làm đều hướng tới xây dựng một Việt Nam hùng cường nhờ công nghệ. Vì mục đích lớn như vậy, những khó khăn của cá nhân tự nhiên sẽ vượt qua. Mỗi lần như thế, tôi càng thêm hiểu và quyết tâm. Tôi nhận ra đó là quy luật chung của những ai dám đối diện và nỗ lực thay đổi định kiến, dù ở phạm vi một quốc gia, hay rộng hơn là cả loài người. Nhìn lại lịch sử, không ai đưa ra điều mới mà không gặp chỉ trích. Trái lại, nếu không gây ra sự phản ứng, chứng tỏ vấn đề đó chưa xứng tầm.
- Là một lãnh đạo, ông có quyền nổi giận với nhân viên khi họ làm sai hoặc giải quyết vấn đề thiếu logic, nhưng lại không thể nổi giận với người dùng khi họ hiểu chưa đúng về sản phẩm của mình. Những lúc như vậy, ông sẽ làm gì?
- Chúng tôi có câu “Không ra bản chất, không tận gốc vấn đề”. Với nhân viên, tôi có thể trao đổi hoặc hướng dẫn, còn với khách hàng, phải thuyết phục họ bằng nhiều cách khác nhau, đôi khi là giao tiếp qua Facebook, báo chí, hay quảng cáo sản phẩm. Phải quảng cáo trước đã, khách hàng mua rồi sử dụng, niềm tin vào sản phẩm sẽ tăng lên.
- Nhiều lãnh đạo trong ngành công nghệ Việt Nam đã dùng Facebook từ lâu, nhưng đến cuối năm 2019, ông mới sử dụng mạng xã hội này và sau đó hoạt động rất tích cực. Điều gì dẫn tới sự thay đổi này?
- Thực ra, những ai đã quen với Nguyễn Tử Quảng đều biết đây là một phần tính cách của tôi. Bkav có một mạng xã hội nội bộ. Tại đây, tôi thường xuyên chia sẻ suy nghĩ, kinh nghiệm và định hướng cho đội ngũ lãnh đạo, nhân viên.
Gần đây, mạng xã hội phát triển như một xu thế tất yếu. Nhiều nguyên thủ quốc gia cũng dùng phương tiện này để giao tiếp với người dân của họ và rất hiệu quả. Tôi nhìn thấy điều đó và tận dụng mạng xã hội như kênh truyền tải trực tiếp các phát ngôn của mình một cách chính xác, nhanh nhạy và đáng tin cậy. Từ đó, người dùng sẽ cảm nhận đầy đủ hơn về ý nghĩa của những điều Bkav đang làm.
Tôi làm gì cũng bài bản, chuyên nghiệp, đã tham gia phải “đến nơi đến chốn”, chưa kể Bkav hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực nên chủ đề chia sẻ cũng rất phong phú. Đơn giản vậy thôi!
- Người ta thường nói trong khủng hoảng sẽ có cơ hội. Ông có nghĩ việc Bkav luôn nhận chỉ trích khi ra sản phẩm là một khủng hoảng? Và cơ hội Bkav nhìn thấy ở đây là gì?
- Tôi không nghĩ việc bị “ném đá” là một khủng hoảng, vì điều ấy xảy ra thường xuyên với Bkav. Chúng tôi coi đó là điều hiển nhiên. Đã là việc lớn thì ắt gây tranh cãi, tôi coi đây là một dấu hiệu cho thấy những gì Bkav đang theo đuổi thật sự lớn lao.
Theo ZingNews