Tiên phong làm nhà thông minh Việt
01:03:00 | 21-03-2011

(Thời báo Vi tính Sài Gòn) Gần đây, trên thị trường thiết bị vệ sinh và thị trường thiết bị điện xuất hiện một số sản phẩm mang thương hiệu SmartHome, hình thức đẹp và giá chỉ bằng 30% các sản phẩm ngoại.

SmartHome là thương hiệu của Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ Ngôi nhà Thông minh SmartHome – một thành viên của Bkav. Bkav lâu nay vốn quen thuộc với người tiêu dùng qua phần mềm diệt virus, nhưng giờ lại đầu tư sang một lĩnh vực mới và là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia vào lĩnh vực này.

Những sản phẩm đầu tiên

Giải thích về việc xuất hiện trên thị trường mà không quảng bá rầm rộ, Bkav nói người Việt Nam khi sử dụng sản phẩm trong nước thường nghi ngờ về chất lượng, vì thế, Bkav đã chọn chiến lược để SmartHome xuất hiện lặng lẽ, cho người tiêu dùng nghĩ đó là sản phẩm ngoại và sử dụng thử, sau khi thấy chất lượng tốt và mới biết đó là hàng Việt Nam thì cách nhận thức sẽ thay đổi. Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkav, cho biết: "Do đây là mảng hoạt động mới, nên thời gian đầu Bkav đã đưa ra thị trường một số sản phẩm đơn lẻ mang tính chất thăm dò. Song, sức tiêu thụ lại vượt ra ngoài mong đợi". 

Mặc dù SmartHome mới tham gia thị trường, nhưng để có những sản phẩm này, Bkav đã bắt tay vào việc nghiên cứu và phát triển từ cách đây tám năm. Theo ông Quảng, từ lâu một số nước phát triển đã sản xuất các thiết bị cho ngôi nhà thông minh rất hiện đại và tiện lợi. Ông mong muốn Việt Nam cũng có những ngôi nhà tương tự nhưng sử dụng những thiết bị, công nghệ do người Việt phát triển, sản xuất. 

"Hàng ngoại do đắt tiền nên không phù hợp với điều kiện tài chính của đa số người dân Việt Nam. Nếu muốn những thiết bị này phổ dụng, chỉ có cách là doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Cùng với phần cứng, phần mềm cũng là yếu tố quan trọng để hình thành các thiết bị cho ngôi nhà thông minh. Bkav vốn chuyên về phần mềm, mà sản xuất thiết bị điện tử thông minh là lĩnh vực thuộc ngành khoa học ứng dụng dựa trên nền tảng CNTT", ông Quảng cho biết. 

Các sản phẩm SmartHome được hình thành từ đó. Cũng bắt đầu quy trình sản xuất như các hãng nước ngoài (không sản xuất từ đầu đến cuối), Bkav đã đi vào thiết kế sản phẩm gồm tạo dáng, khuôn mẫu, mạch điện tử… sau đó mua linh kiện (chip, tụ, trở, IC, dây dẫn…) để làm ra sản phẩm. 

Năm 2005, vòi xả nước cảm ứng thông minh đầu tiên của SmartHome được đưa ra thị trường (van được lắp tại các chậu rửa tay, tự động xả nước khi có người sử dụng, giá bán 3,5 triệu đồng). Với sản phẩm đầu tiên, SmartHome phải mất đến hai năm để nghiên cứu và sản xuất. Đến nay, chu kỳ ấy chỉ còn 6 tháng. Hiện SmartHome đã đưa ra thị trường các sản phẩm thông minh khác như thiết bị bật tắt đèn (giá 580.000 đồng, 880.000 đồng và 990.000 đồng), van xả tự động bồn cầu nam (có 4 loại, từ 860.000 - 2.550.000 đồng), máy sấy tay (3,5 triệu đồng). Tất cả các mặt hàng của SmartHome được bán với giá chỉ bằng 30-80% so với hàng ngoại với tính năng tương tự. Đến nay, SmartHome đã có mặt ở khoảng 20 tỉnh thành trên toàn quốc và nhiều công trình lớn tại Hà Nội như: trụ sở Bộ Tài chính, Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, khách sạn Công đoàn Quảng Bá, Công ty MobiFone…

Ông Vũ Thanh Thắng, Giám đốc Bkav SmartHome, cho biết chiến lược của Bkav là làm sao để sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao và trở nên phổ dụng nên Bkav đã xây dựng mức giá bán hợp lý. "Hàng nhập sở dĩ có giá cao là vì phải chịu thuế nhập khẩu, số lượng nhập ít… Không hẳn giá cao hơn thì chất lượng sẽ tốt hơn", ông Thắng phân tích. 

Ngôi nhà thông minh

Hiện SmartHome mới đưa ra thị trường những thiết bị đơn lẻ trong giải pháp ngôi nhà thông minh, dự kiến sẽ được giới thiệu vào quý 2 tới. Ngôi nhà thông minh SmartHome sẽ ra mắt với tổng số khoảng 20-30 thiết bị, mỗi thiết bị sẽ điều khiển một hệ thống khác nhau như điện, màn, rèm, máy lạnh… 

Một hệ thống nhà thông minh có bộ phận điều khiển trung tâm để kết nối các thiết bị với nhau. Người sử dụng có thể điều khiển qua điện thoại di động hay máy tính có kết nối Internet thông qua một phần mềm với giao diện mô phỏng lại toàn bộ ngôi nhà cùng các thiết bị như đang sử dụng thực tế. 

Giao diện màn hình điều khiển ngôi nhà thông minh Bkav SmartHome 

Khi có người bước vào nhà, hệ thống chiếu sáng tự động bật, thậm chí hệ thống được thiết kế để có khả năng tự động điều chỉnh ánh sáng, màu sắc. Hệ thống giám sát môi trường liên tục cập nhật các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, lượng oxy… của từng khu vực trong ngôi nhà, đưa ra chế độ thích hợp đến máy điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, quạt thông gió… nhằm duy trì trạng thái môi trường tốt nhất. Hệ thống an ninh kiểm soát các nguy cơ cháy, nổ, khi nhà bị xâm nhập trái phép cũng sẽ đưa ra cảnh báo. Khi có mưa bão, cửa sổ có thể tự đóng, dây phơi tự thu vào, hệ thống tưới cây tự động hoạt động theo giờ… 

Ông Thắng cho biết, nhà thông minh SmartHome sử dụng công nghệ tùy biến kịch bản, cho phép cấu hình hệ thống hoạt động theo những yêu cầu khác nhau. Việc thêm hoặc bớt thiết bị có thể thực hiện bằng việc khai báo trên hệ thống. Thông qua một hệ thống mạng, các kết nối thiết bị nhận lệnh điều khiển từ Home Server theo kịch bản đã được cấu hình trước, SmartHome sử dụng công nghệ hybird (sử dụng năng lượng tích hợp điện và pin) nên thiết bị có thể hoạt động kể cả khi mất điện. 

Giới thiệu về giải pháp ngôi nhà thông minh

Tùy theo mức độ ứng dụng thiết bị mà mức giá ngôi nhà thông minh của SmartHome sẽ dao động từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng. Hiện SmartHome đã hoàn thiện ngôi nhà thông minh mẫu tại Ninh Bình và đang gấp rút hoàn thiện tại Hà Nội. 

Tiếp tục đầu tư 

Theo nhận xét của một chuyên gia, SmartHome đưa ra giải pháp nhà thông minh chậm hơn nhiều so với thế giới, song có tính ưu việt hơn. Ví dụ, hầu hết các giải pháp ngoại sử dụng dây dẫn nên chỉ thuận lợi cho những ngôi nhà xây mới, trong khi SmartHome sử dụng các công nghệ truyền dữ liệu qua đường điện và truyền dữ liệu không dây nên cho phép việc triển khai dễ dàng ở cả những ngôi nhà đã xây từ trước mà không phải sửa lại. 

Lý giải về điều này, ông Thắng cho biết, do các nhà cung cấp sản phẩm này trên thế giới phát triển giải pháp từ những năm 1985, khi các công nghệ không dây chưa phát triển nên họ buộc phải sử dụng công nghệ kéo dây, còn SmartHome bắt đầu phát triển sản phẩm từ năm 2003, đúng lúc công nghệ không dây mới ra đời. "Có lẽ các hãng không cập nhật công nghệ không dây vì để làm hệ thống không dây phải thiết kế lại một giải pháp mới từ đầu và một phần nữa vì họ thấy chưa cần thiết", ông Thắng nói. 

Ông Quảng cho biết: "Bkav đã đầu tư rất lớn vào mảng này do thấy có cơ hội, thị trường còn tiềm năng. Khi điều kiện kinh tế càng phát triển thì mọi người càng cần có ngôi nhà thông minh". Tuy nhiên, theo ông Quảng, so với các mảng dịch vụ, sản phẩm khác mà Bkav đã đầu tư như phần mềm virus, phần mềm văn phòng điện tử, chữ ký số… thì đầu tư vào mảng hoạt động này có nhiều rủi ro hơn. Phải đầu tư cả chục năm mới có sản phẩm mà mức đầu tư nhiều hơn các mảng hoạt động khác tới 3-4 lần. Hiện mỗi năm Bkav đầu tư cả chục tỉ đồng cho mảng hoạt động này. 

Theo Thời báo Vi tính Sài Gòn