Có thể xác định được thủ phạm phát tán "nấm độc” trên mạng
04:21:00 | 08-10-2011

(Văn hóa) Những ngày qua, cùng với sự bức xúc của dư luận, cộng đồng cư dân mạng cũng phản đối dữ dội những nội dung phi nhân tính "ăn theo" vụ án Lê Văn Luyện được phát tán trên mạng internet. PV Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Đức (ảnh) - Giám đốc bộ phận an ninh mạng, Công ty An ninh mạng Bkav xung quanh vấn đề này.

Dư luận hiện đang rất bức xúc về những nội dung phi nhân tính ăn theo vụ án Lê Văn Luyện được phát tán trên mạng internet, theo ông cần có biện pháp kỹ thuật gì để ngăn chặn những nội dung xấu này?
Trước hết cần sự phối hợp, kiểm tra chặt chẽ giữa các cơ quan quản lí nhà nước và các nhà cung cấp dịch vụ (tại Việt Nam), các trang web cung cấp nội dung số, cung cấp dịch vụ hình ảnh, âm thanh, giải trí... trong việc loại bỏ, hạn chế các nội dung xấu. Nhiều trang web chia sẻ nội dung, cung cấp nội dung video, âm thanh nước ngoài, trong đó có trang web Youtube đều lọc bỏ khá nhiều nội dung sex, kích động bạo lực...
Trong trường hợp này, những nội dung ăn theo vụ án Lê Văn Luyện hoàn toàn có thể xếp vào loại nội dung kích động bạo lực và cơ quan chức năng có cơ sở để đề nghị quản trị trang web này gỡ bỏ.
Trên thực tế, hầu hết các trang web cung cấp dịch vụ nội dung đều có kiểm duyệt tự động và một chặng kiểm duyệt qua kỹ thuật viên để loại bớt những nội dung vi phạm quy định. Tuy nhiên những động thái này còn phụ thuộc vào mục đích, tôn chỉ, thái độ, nhận thức của quản trị mạng và kĩ thuật viên về những nội dung được đưa lên mạng. Nhưng nếu sớm có sự khẳng định của các cơ quan chức năng về nội dung xấu đã được phát tán trên mạng và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, quá trình chọn lọc, loại bớt thông tin xấu sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Vậy có thể xác định thủ phạm phát tán thông tin xấu như thế nào?
Việc xác định thủ phạm phát tán những thông tin xấu dù khá phức tạp và cần thời gian nhưng có thể thực hiện được. Có thể nói rằng hầu hết những nội dung xấu ăn theo vụ án Lê Văn Luyện đều xuất phát từ trong nước, do các cá nhân trong nước sáng tác và phát tán lên các trang web nước ngoài.
Mặc dù hầu hết các trang web đăng những clip, tranh ảnh, nội dung xấu khác có máy chủ đặt ở nước ngoài, ai cũng có thể đưa các nội dung mà họ muốn lên nhưng muốn đưa các nội dung này lên phải đăng kí thông tin cá nhân tối thiểu, trong đó có khá nhiều thông tin công khai.
Việc tìm kiếm, kiểm tra, xác định, tổng hợp, phân tích và ghép nối những thông tin cá nhân này không quá khó, đồng thời kết hợp các biện pháp kỹ thuật để xác định thủ phạm là điều có thể thực hiện được.
Còn nếu thông tin được phát tán từ các trang web trong nước, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể yêu cầu quản trị mạng cung cấp thông tin về đối tượng phát tán để phục vụ điều tra. Trên thực tế đã có khá nhiều vụ phát tán thông tin xấu trên mạng internet mà cơ quan chức năng đã xác định và bắt giữ thủ phạm như vụ phát tán clip của diễn viên Hoàng Thùy Linh, vụ hacker xâm nhập trang web của Bộ GD&ĐT....
Những “nấm độc” này có cần một làn sóng tẩy chay không, thưa ông?
Hoàn toàn có thể kêu gọi cộng đồng mạng tẩy chay những thông tin thiếu nhân tính ấy.
Các mạng xã hội, chia sẻ thông tin, cung cấp nội dung số, diễn đàn trực tuyến...đều có quản trị mạng, trưởng các nhóm diễn đàn... là sinh viên, kỹ thuật viên, chúng ta có thể liên lạc với họ khá dễ dàng.
Nếu kêu gọi nhóm người này góp phần tạo những làn sóng tẩy chay thông tin xấu thì chắc chắn sẽ có rất nhiều cư dân mạng hưởng ứng. Thông thường các website trên đều có các tính năng thông báo tới quản trị về những bài viết, thông tin vi phạm để các thành viên có thể phản ánh kịp thời. Được biết thời gian qua có rất nhiều cư dân mạng đã phản ứng dữ dội trước những hành vi phi nhân tính khi phát tán những sản phẩm vô văn hóa trên mạng internet... Nhiều quản trị cũng đã nhanh chóng gỡ bỏ những thông tin vi phạm này khỏi hệ thống của mình, góp phần hưởng ứng phong trào làm trong sạch nội dung website.
Xin cám ơn ông!
Theo Văn Hóa
Tham khảo bài gốc tại đây