Đảm bảo An ninh mạng cho APEC 2006
09:50:00 | 19-04-2007

Trả lời phỏng vấn Báo KH&ĐS chiều 13/11, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng phòng virus, Trung tâm An ninh mạng BKIS cho biết:

• BKIS bố trí 5 chuyên gia trực tiếp "trực chiến" tại 3 khu vực của hội nghị, đằng sau họ là 40 chuyên gia luôn sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

• BKIS mang đến hội nghị APEC giải pháp diệt virus mới nhất - phần mềm Bkav Enterprise.

• Máy tính xách tay của các phóng viên được bố trí vào một mạng riêng

- BKIS đã chuẩn bị những gì cho việc đảm bảo an ninh mạng của hội nghị APEC, thưa ông?

Chúng tôi đã làm công việc tương tự như thế này từ hơn 10 năm nay cho nên luôn trong trạng thái sẵn sàng. Trong hội nghị lần này, chúng tôi đã bố trí 5 chuyên gia trực tiếp "trực chiến" tại 3 khu vực của hội nghị, đằng sau họ là 40 chuyên gia luôn sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. BKIS cũng đã tập dượt bằng việc đảm bảo an ninh mạng cho SOM1 diễn ra vào tháng 02/2006, vì thế chúng tôi tin tưởng rằng nhiệm vụ tại hội nghị lần này cũng sẽ được hoàn thành tốt đẹp.

- Sự cố xảy ra sẽ được BKIS sẽ ứng phó thế nào?

Chúng tôi đã diễn tập các tình huống có thể xảy ra, đã đưa ra các phương án sẵn sàng để đảm bảo bất kì sự cố nào cũng sẽ được khắc phục trong vòng vài phút. Tối đa 1 phút trong phòng họp, 5 phút trong các phòng chức năng như đã cam kết với Tiểu ban vật chất hậu cần APEC 2006.

Ví dụ trong tình huống xuất hiện một virus mới, chưa có phần mềm diệt virus nào trên thế giới cập nhật, ngay lập tức các chuyên gia "trực chiến" tại hiện trường sẽ tiến hành phát hiện, cách li máy bị nhiễm, thay thế máy dự phòng. Bố trí lấy mẫu virus mới, chuyển về cho bộ phận nghiên cứu của BKIS giải mã, đưa phương án xử lý vào phần mềm Bkav để cập nhật trên hệ thống mạng của hội nghị.

- BKIS có gặp khó khăn gì trong triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh mạng APEC, thưa ông?

Chúng tôi chỉ gặp một chút khó khăn trong 2 ngày trước khi diễn ra hội nghị khi thống nhất cách thức, quy trình phối hợp giải quyết sự cố giữa các bên tham gia phục vụ hội nghị, làm sao để công việc không bị chồng chéo, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả. Đây là hội nghị rất quan trọng nên không được phép xảy ra bất kì sai sót nào.

Trong 2 ngày diễn ra phiên không chính thức (12/11) và phiên toàn thể CSOM (13/11) vừa qua, mọi việc đều suôn sẻ, đã có nhiều tình huống xảy ra nhưng đều được xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến hội nghị.

- Những phần mềm nào đã được trưng dụng để đảm bảo "sức khoẻ" cho gần 500 máy tính và khoảng 70 máy tính xách tay do BTC cung cấp?

Chúng tôi đã mang đến hội nghị APEC giải pháp mới nhất của chúng tôi là phần mềm Bkav Enterprise, phần mềm được tích hợp tất cả công nghệ mới nhất của Bkav, hoạt động theo mô hình quản lí tập trung trên Server, quan sát được tình hình virus trên các máy tính trong toàn mạng và có khả năng cập nhật các phiên bản mới một cách tự động. Chúng tôi cũng triển khai thiết bị giám sát (monitor) hiện đại nhất để kịp thời phát hiện ra những bất thường trên mạng.

- Còn những máy tính xách tay của các phóng viên nước ngoài, liệu có ảnh hưởng gì đến an ninh mạng APEC không thưa ông?

Vấn đề đau đầu nhất đúng là việc có rất nhiều các phóng viên tham dự hội nghị và họ thường sử dụng máy tính xách tay. Việc kiểm tra tất cả các máy tính này mất nhiều thời gian và không khả thi, dễ gây ách tắc. Vì vậy chúng tôi bố trí cho họ tham gia vào một mạng riêng, mạng này có đường nối vào hệ thống mạng của hội nghị, tuy nhiên đường kết nối này được áp dụng chế độ kiểm soát đặc biệt. Nếu có sự cố xảy ra, chúng tôi có thể cách li nhanh chóng để xử lý và không ảnh hưởng tới các khu vực khác. Ngoài ra, với tất cả các phóng viên ra vào hội nghị, chúng tôi đều khuyến cáo nên mang máy đến các bàn kĩ thuật của BKIS có tại cả 3 khu vực của hội nghị để kiểm tra, nếu thấy nghi ngờ có vấn đề về virus.

 
Nam Thành, báo Khoa học và Đời sống