'Phát triển công nghiệp bán dẫn cần một chiến lược quốc gia bài bản'
09:23:00 | 11-11-2023

Ngày 22/10/2023, CEO của Bkav Nguyễn Tử Quảng đã tham gia chương trình Cơ hội, thách thức với startup trong hệ sinh thái bán dẫn của Đài Tiếng Nói Việt Nam. Dưới đây là nội dung các trao đổi của người đứng đầu Bkav tại chương trình.

CEO Nguyễn Tử Quảng tại buổi tọa đàm

MCThưa các vị, chúng ta đã có một quãng thời gian dài thay đổi nhận thực và hành động chuyển đổi số. Đây được coi là nền tảng cho kinh tế số, bao gồm ngành công nghiệp bán dẫn. Khi chuyển đổi số vào “guồng”, doanh nghiệp số nhiều, nền kinh tế mong chờ xuất hiện những doanh nhân, doanh nghiệp Việt ở sân chơi công nghệ cao, công nghệ lõi toàn cầu (bán dẫn chẳng hạn)… Với các vị, đây có là kỳ vọng lớn và hơi sớm?

Doanh thu của năm 2022 so với năm 2021 đã tăng trưởng hơn 20% và 602 tỷ đô la Mỹ. Dự báo thị trường bán dẫn toàn cầu vào năm 2029 là 1.400 tỷ USD Mỹ. Có nghĩa là cơ hội rất lớn. Thế nhưng kì vọng chúng tôi vừa nêu liệu rằng có lớn và hơi sớm so với các doanh nghiệp Việt Nam hiện thời để có thể tranh thủ miếng bánh 1.400 tỷ USA vào năm 2029 hay không ạ?

CEO Nguyễn Tử Quảng: Trước tiên, chúng ta cần làm rõ một số khái niệm. Thời gian vừa qua ở Việt Nam, các báo đài, các tổ chức đã nói rất nhiều đến bán dẫn. Nhưng tôi thấy đâu đó có sự nhầm lẫn chưa phân biệt rõ chủ thể.

Tôi phải bắt đầu thế này, ngành công nghiệp bán dẫn gồm những công việc như thế nào. Chẳng hạn đây là một chiếc smartphone, là một thiết bị công nghệ cao. Trong thiết bị này dùng rất nhiều linh kiện điện tử, có các con chip. Con chip gọi là một linh kiện bán dẫn. Tại sao gọi như vậy, vì nó được chế tạo bởi chất bán dẫn. Trong trường hợp này thường là silicon, dựa vào chất silicon làm ra các con chip. Ngành công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp xoay quanh việc chế tạo ra các con chip đó. Việc đầu tiên chúng ta phải có wafer, miếng wafer giống như đĩa CD, bản chất là một vật liệu silicon. Từ đấy người ta dùng công nghệ quang học khắc trên đấy các linh kiện nhỏ hơn nữa là bóng bán dẫn, nó tính bằng nanomét. Trên 1 tấm wafer silicon, để tạo ra một mạch tích hợp, có hàng tỷ bóng bán dẫn trên đấy để thực hiện công việc tính toán. Nó là các công việc về vật lý, về hóa học đôi khi, người ta đưa cả các phản ứng hóa học vào để tạo ra các bóng bán dẫn.

Những bóng bán dẫn ấy được cấu tạo kết nối với nhau như thế nào trong các diện tích nhỏ như thế? Có hàng tỷ bóng bán dẫn đấy thì phải thiết kế, nếu phóng to lên nó giống như một tòa nhà, nhiều tầng, nhiều phòng. Muốn làm ra nó nhỏ như vậy, chúng ta phải dùng những công cụ phần mềm để ra bản vẽ để mà chúng ta có được cấu trúc đó. Có cấu trúc đó thì chúng ta mới đưa cho các nhà máy ví dụ như nhà máy của TSMC (một công ty sản xuất chất bán dẫn, có trụ sở tại Đài Loan), đưa các chất hóa học thêm vào nữa để nó biến thành một con chip. Ngành công nghiệp bán dẫn có nhiều công việc như vậy và đôi khi nó rất khác nhau. Thiết kế thì giống như chúng ta dùng phần mềm để thiết kế, vẽ tòa nhà. Tiếp theo mới đến chế tạo thì là xây dựng nhà máy để chế tạo. Một nhà máy có thể có vài tỷ đô để có những thiết bị rất tinh xảo.

Tôi đã làm rõ một số khái niệm. Tiếp theo, những con chip đấy với chuyển đổi số là chúng ta thấy công nghệ đưa vào mọi ngõ ngách. Sắp tới là các cảm biến, các thiết bị IoT gắn khắp mọi nơi và đưa vào mọi ngõ ngách. Chúng ta sẽ cần rất nhiều các con chip kiểu như vậy. Rõ ràng đó là nhu cầu của cả thế giới. Vậy nếu Việt Nam có thể tham gia ngành công nghiệp này mới thực sự trở nên một nước phát triển dựa vào công nghệ.

Câu chuyện ở đây là hiện nay một nhà máy họ có thể sản xuất được cho cả thế giới. Vì công nghệ này nó tự động rất cao. Hiện nay, các chip cao cấp 80 - 90% trên thế giới là do TSMC sản xuất. Có nghĩa là công suất của các nhà máy đó không có ngại, nhưng sau dịch COVID-19 và chiến tranh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Bỗng dưng thế giới bị phụ thuộc vào 1- 2 nhà sản xuất, trong trường hợp này là TSMC của Đài Loan và Samsung. Thế thì người ta có nhu cầu phân tán ra nhiều nhà máy hơn. Vậy đây là câu chuyện về địa chính trị chứ không còn là sản xuất nữa. Và Việt Nam chúng ta thì lại là một nước trung lập, chúng ta chơi với tất cả các nước lớn trên thế giới. Vì vậy Việt Nam là nơi lý tưởng để tham gia ngành công nghiệp này phục vụ cho cả thế giới.

MC: Một nơi lý tưởng để tham gia và quan trọng vẫn là câu chuyện không nên phụ thuộc vào 1, 2 thị trường đúng không ạ? Cần thiết là chúng ta cũng phải tìm kiếm những cơ hội để Việt Nam phát triển được. Công nghiệp bán dẫn cần thiết phải qua nhiều công đoạn, rõ ràng là như những thông tin ông vừa nêu: Câu chuyện các doanh nghiệp khởi nghiệp, các startup có thể tham gia được vào đây hay không là cả một vấn đề. Hoàn toàn không hề dễ dàng một chút nào. Và công cụ phần mềm hay công cụ thông tin đúng là nền tảng, hoàn toàn có thể hỗ trợ ở khâu thiết kế. Còn lại, như là việc sản xuất các con chip như thế nào lại là cả một vấn đề đúng không ạ? Riêng một thông tin ông nêu thôi: Vấn đề thiết kế hay là lên ý tưởng cần phải xây dựng những nhà máy chế tạo lên tới vài tỷ đô la Mỹ, là câu chuyện mà các start-up có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy cần một chiến lược rất bài bản.

CEO Nguyễn Tử Quảng: Tôi nghĩ ở đây chia thành 2 nội dung công việc: Nội dung về thiết kế các con chip thì các start-up Việt Nam có thể tham gia. Nó giống như ngành phần mềm. Nó không phải là lập trình, nhưng nó là dùng công cụ phần mềm để thiết kế. Nó giống như ngành kiến trúc, thiết kế ra các bản vẽ tòa nhà. Thì đây là thiết kế ra các bản vẽ liên quan đến bóng bán dẫn. Nó nửa như ngành kiến trúc, nửa như ngành phần mềm. Những kỹ năng đó, người Việt Nam có tốt. Hiện nay, một số công ty thiết kế chip người ta đã thuê outsourcing (gia công) ở Việt Nam. Kĩ sư Việt Nam làm việc đấy rất tốt. Để chúng ta tham gia ngành này, tôi nghĩ việc đấy cũng nên đầu tư. Các start-up có thể đầu tư được, chủ yếu là đào tạo con người và kiếm được việc để làm.

Thế còn công nghiệp về chế tạo thì như nãy tôi nói, nó liên quan đến địa chính trị. Chúng ta rất phù hợp rồi. Để chế tạo một nhà máy, bản chất là có tiền chúng ta sẽ mua được các trang thiết bị để sản xuất.

Vừa rồi Trung Quốc bị cấm vận là do trong dây chuyền để sản xuất con chip có một thiết bị mà chỉ có một công ty duy nhất ở Hà Lan làm được, họ không bán cho Trung Quốc. Không có thiết bị đấy nên Trung Quốc không làm được những chip cao cấp nữa và kéo lùi ngành chip của Trung Quốc xuống nhiều năm.

Nhưng Việt Nam chúng ta là nước trung lập, chúng ta có thể tham gia để mua được những thiết bị đấy. Để tham gia ngành công nghiệp này nó mang tính khởi nghiệp quốc gia chứ không còn là khởi nghiệp doanh nghiệp nữa. Và nó là chiến lược Quốc gia.

Chúng ta có thể bắt đầu từ những công việc đơn giản giống như là nhà máy Intel (làm một số công việc đóng gói). Nhưng phải có một kế hoạch bài bản để nâng dần nó lên, rồi tham gia sâu dần vào ngành công nghiệp này. Nó là “B to B”. Các doanh nghiệp với doanh nghiệp họ mua bán với nhau, sau đó mới cung cấp cho các nhà sản xuất khác để làm ra các thiết bị đầu cuối. Người ta đã có mối gắn kết với nhau nhiều chục năm rồi, không dễ để mình chen chân vào đó. Vậy thì mình phải làm từng bước một.

MC: Bkav đã tham gia vào việc sản xuất những linh kiện điện tử với những sản phẩm đổi mới sáng tạo đã được thị trường đón nhận rồi. Ông có thể thêm một vài thông tin là có những điều gì là khó khăn thách thức ở trong chế tạo, sáng tạo những sản phẩm này ra, thị trường đón nhận như thế nào cho những doanh nghiệp đang có nhu cầu như vậy?

CEO Nguyễn Tử Quảng: Như chúng ta đã nhiều lần trao đổi, về ngành công nghệ cao nói chung và ngành phần mềm cũng vậy thì người Việt Nam mình có năng lực rất tốt, rất phù hợp. Và một yếu tố thuận lợi là các nước phát triển thì những người học ngành này, nhiều người không hứng thú vì nó khó. Nó khó vì phải học toán rất nhiều và phải rất đam mê.

Nhiều nước phát triển bị thiếu nguồn lực. Họ nhập khẩu nhân lực từ các nước khác sang. Việt Nam chúng ta là một nước đang vươn lên, có rất nhiều khí thế, rất hứng thú với những ngành kỹ thuật công nghệ kiểu như thế này. Và nó cũng phù hợp với tính cách và tố chất của con người Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta không tận dụng được giai đoạn này sẽ rất lãng phí. Nếu tận dụng được thì chúng ta sẽ trở thành con rồng châu Á tiếp theo là điều chắc chắn.

Cho nên vấn đề ở chỗ, nếu góp ý thẳng thắn thì như tôi đã nói, đôi khi một số nhà hoạch định chính sách chưa thực sự hiểu bản chất của tất cả những câu chuyện này. Ví dụ như câu chuyện về bán dẫn. Các bạn nghe rất nhiều trên báo, trên đài nhưng mà tôi chắc chắn nhiều người chưa thực sự hiểu nó là như thế nào, nó gồm những công đoạn, những giai đoạn như thế nào để từ đấy hoạch định ra chiến lược. Chúng tôi cũng đã nỗ lực góp ý, nhưng dù sao chúng ta cũng là một nước đang phát triển cho nên là không dễ để mọi người nhanh chóng nắm bắt được. Đôi khi có sẵn ở đấy rồi mà lại không biết. Chẳng hạn trong ngành sản xuất smartphone, thực ra chúng ta đã làm chủ hết các công nghệ rồi. Cần thêm một số điều kiện thôi chẳng hạn như tôi đã đề xuất là ở Hàn Quốc hay Trung Quốc để mà họ phát triển, để mà họ thúc đẩy Sam Sung, Huawei, Xiaomi… trở thành những công ty lớn nhất thế giới như hiện nay, họ có những ngân hàng chuyên cho ngành công nghiệp. Ở Hàn Quốc, nếu tôi không nhầm, họ gọi là ngân hàng công nghệ. Còn Trung quốc là ngân hàng công nghiệp. Tức là họ có các cơ chế hỗ trợ cho các nghành công nghiệp đó, hỗ trợ đây không phải là xin cho, không hề luôn. Doanh nghiệp đã làm ra sản phẩm rồi, bình thường các lĩnh vực khác người ta có thể có những cơ chế đơn giản bởi vì người ta có thể xây tòa nhà 100 tầng thì chỉ cần xây móng nhà, bỏ ra 100 tỷ thôi xong là xây móng nhà, xong là đi thế chấp ngân hàng, xong lại vay tiền, xong lại xây tiếp. Cứ như thế xây 100 tầng cũng được. Thế nhưng, trong ngành công nghệ của chúng tôi đây, ví dụ chiếc Bphone thế này, tôi đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ rồi, tiền mặt. Nhưng cũng không thể dùng nó thế chấp để vay, để tiếp tục phát triển được. Vậy mà ở Hàn Quốc, Trung Quốc, họ lại có ngân hàng có cơ chế cho vay. Họ có thể hiểu những thứ này để mà hỗ trợ. Nhưng ở Việt Nam mình thì đấy là chưa có. Tôi đã nhiều lần đề nghị nhưng mà chưa có.

Đây là vay chứ không phải xin nhé. Không hề có xin - cho ở đây. Tất cả các nước phát triển họ đều làm như vậy và họ đánh giá được giá trị công nghệ của sản phẩm. Đôi khi ở Việt Nam chúng ta chỉ cần giải bài toán kiểu như vậy. Khi mình đã phát triển sản phẩm ở cấp trên của chuỗi cung ứng, là các sản phẩm đưa ra thị trường như thế này thì tự nhiên nó sẽ thúc đẩy cả những ngành sản xuất chất bán dẫn phát triển theo. Nôm na là ta phải có chiến lược hết sức bài bản.

MC: Chúng ta hiện nay hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ. Ví dụ như công nghệ sản xuất smartphone, quý vị đã đưa ra thông tin chúng ta khá là thiếu những nguồn kỹ sư để tiến tới ngành công nghiệp bán dẫn như thế này. Vậy thì các vị có thể phân định câu chuyện chúng ta đang làm chủ công nghệ, có thể sản xuất hoàn toàn được một chiếc smartphone và một bên là thiếu kỹ sư để tiến tới ngành công nghiệp bán dẫn này. Cụ thể là thiếu như thế nào để chúng ta có thể tiến tới là có được đầy đủ nguồn nhân lực với ngành này?

CEO Nguyễn Tử Quảng: Thực ra, chúng ta không lo chuyện thiếu kỹ sư đâu, giống như chúng tôi làm điện thoại, là lúc đầu không có một kỹ sư nào hiểu biết về mảng này cả. Nhưng sau 3 năm rưỡi thì chúng tôi vừa đào tạo vừa làm thì chúng tôi đã sản xuất thành công được thiết bị đầu tiên. Rồi thêm 3 năm nữa thì ra được Bphone sản xuất hàng loạt. Tức là 6 năm là có thể làm được. Nhưng nó cần chiến lược bài bản của cơ quan quản lý nhà nước, mang tính chất quốc gia. Các doanh nghiệp như chúng tôi làm như thế là nỗ lực tối đa. Nó cần có chiến lược đúng đắn của các cơ quan quản lý mà như tôi nói lúc trước là họ cần phải ngồi với các doanh nghiệp rất kỹ để thấu hiểu. Nói thẳng thắn là đôi khi bây giờ cứ hay nghe tư vấn của nước ngoài trong khi nước ngoài họ không thấu hiểu câu chuyện của Việt Nam chúng ta, đưa ra nó dễ bị phong trào, lại vừa thừa vừa thiếu. Như lúc nãy tôi nói có quỹ như thế, có ngân hàng như thế, vì bất kể doanh nghiệp nào cũng có giá trị như thế. Đến Apple họ lớn mạnh như thế mà họ vẫn cần có những ngân hàng, có quỹ như vậy.

MC: Ông nghĩ như thế nào về sự hỗ trợ, gắn kết giữa các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn với nhau?

CEO Nguyễn Tử Quảng: Tôi phải dùng 1 từ khác để nó đúng với bản chất của câu chuyện hơn. Nếu dùng từ hỗ trợ thì nó nghe nó sẽ dễ bị hiểu nhầm sang cơ chế xin - cho. Tôi nghĩ là nên dùng từ kiến tạo thì đúng hơn. Tức là các cơ quan quản lý nhà nước của chúng ta trong những mảng công nghệ cao như này cần sự kiến tạo. Họ phải rất thấu hiểu bản chất của câu chuyện, nắm bắt được cơ hội kể cả về địa chính trị, nguồn lực, con người… và họ phải kiến tạo ra được một chương trình hành động cụ thể, kể cả đôi khi phải có những chủ thuyết trong vấn đề này rồi sau đó mới kiến thiết ra một chương trình.

Tôi cũng có nhiều lần góp ý ở Việt Nam mình, những công việc lớn như thế này thường nó phải có vị trí giống như là kiến trúc sư trưởng thiết kế, để hoạch định tổng thế. Chứ hiện nay chúng ta đang thấy là nói tản mạn đôi khi còn chưa rõ khái niệm. Rồi tản mạn nói về nhân lực nhưng lại không cho một thiết kế. Như thế, dẫn đến chuyện vừa thừa, vừa thiếu là chuyện hết sức bình thường, rất nguy hiểm.

Vậy thì, chỉ cần kiến tạo ra cơ chế để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát triển. Hoặc là những thứ như chế tạo nhà máy tốn nhiều tỷ đô cần quyết tâm cao mang tính vĩ mô. Địa chính trị có nhiều thuận lợi rồi cần những quyết sách mang tính quốc gia kiến thiết những thứ đó thì các doanh nghiệp họ sẽ tự đào tạo hoặc thuê công ty nước ngoài hay các trường đã làm những việc này họ đào tạo ngay, không ngại. Chúng ta lại tập trung vào việc quá nhiều người nhưng lại không có người thiết kế thì nói nôm na là sẽ dễ “toang”. Nói thật, đâu đó sẽ có thể hơi bị phong trào.

MC: Các vị cũng đã nêu ra 1 số thông tin gợi mở cho cộng đồng khởi nghiệp nói chung. Có nên định hướng các bạn trẻ outsourcing đóng gói, thử nghiệm hoàn thiện 1 sản phẩm giống như các anh lớn đang làm để tích lũy kinh nghiệm rồi sau đó mới tiến sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn hay không?

CEO Nguyễn Tử Quảng: Thực ra ngành công nghệ rất khắc nghiệt, đôi khi chúng ta nghĩ rằng thiết kế nhiều người nghĩ ràng chúng ta sẽ làm outsourcing trước, gia công trước rồi sáng tạo ra các sản phẩm nhưng điều đấy là sai lầm. Một số nước họ đang mắc vào bẫy đấy giống như là Ấn Độ, CEO của các tập đoàn lớn trên thế giới hầu hết là người Ấn Độ nhưng mà họ lại mắc bẫy là không có một môi trường tốt ở ngay Ấn Độ để tạo ra các công ty lớn. Bởi vì 2 nghề này khác nhau. Giống như nghề người ta thiết kế sản phẩm xong thuê mình làm, giống như là dệt may cũng thế. Nike họ phát triển thương hiệu, họ thuê mình làm ở Việt Nam, công nhân Việt Nam trực tiếp gia công đôi giày đấy chúng ta chỉ lấy được mấy USD, nhưng họ có thể bán đến mấy trăm USD, nhưng chúng ta lại không biết thiết kế nó như thế nào vì người ta thiết kế sẵn rồi. Anh chỉ biết một phần rất nhỏ thôi. Mọi ngành trong nền kinh tế đều cần nhưng nếu lệch về một bên nào đó thì rất nguy hiểm.

Thế còn câu chuyện về chế tạo lại khác, như chúng tôi nói lúc nãy. Câu chuyện của quốc gia, nếu chúng ta đánh giá địa chính trị chúng ta phù hợp, tức là thế giới cần những nơi mà là trung gian mà cung cấp những thứ mà cả thế giới bị phụ thuộc như thế này. Một vài nhà máy thôi, họ sản xuất cung cấp được cho cả thế giới, tự động hóa rất cao. Thế thì người ta cần những nơi mà có địa chính trị tốt tức là làm bạn với tất cả thế giới, địa lý ít động đất, nguồn nhân lực công nghệ kỹ thuật năng động. Nhưng phải là quốc gia đứng ra làm những việc đó. Riêng về việc này là lắp ráp, đóng gói những thứ nhỏ rồi dần dần năng lên.

Bkav