Cần giải pháp công nghệ mạnh mẽ hơn để đối phó lừa đảo trực tuyến
09:47:00 | 31-05-2024

Trong thời đại công nghệ số phát triển không ngừng, chúng ta đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong việc kết nối mọi người lại với nhau. Tuy nhiên, cùng với sự tiện ích đó, là những mối nguy hiểm tiềm ẩn từ không gian mạng, đặc biệt là tình trạng lừa đảo trực tuyến đang ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp hơn.

Hiện nay, các vụ lừa đảo trực tuyến không chỉ gia tăng về số lượng mà còn về quy mô, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng. Một số biện pháp đã được áp dụng như xác thực sinh trắc học cho giao dịch trên 10 triệu đồng để ngăn chặn lừa đảo, hay việc mạnh tay xử lý tài khoản không chính chủ và sim rác, thế nhưng dường như các giải pháp này là chưa đủ và chúng ta cần những giải pháp công nghệ mạnh mẽ hơn nhằm đối phó với những thủ đoạn lừa đảo này, bảo vệ bản thân và người thân trong thế giới số.

Dưới đây là những chia sẻ của Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc An ninh mạng, Tập đoàn công nghệ Bkav trong chương trình Đối thoại số được phát sóng trên kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Phóng viên: Cách thức lừa đảo trực tuyến ngày càng mở rộng về quy mô và phương thức lừa đảo cũng cải tiến. Lừa đảo trực tuyến xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ các trang tìm kiếm, mạng xã hội đến những ứng dụng giả mạo cập nhật thông tin công dân. Theo ông thách thức chính mà chúng ta phải đối mặt trong việc chống lừa đảo trực tuyến là gì?

Ông Nguyễn Văn Thứ: Hiện nay các hình thức lừa đảo rất đa dạng và tinh vi. Thách thức chính chúng ta đang gặp phải là lừa đảo trực tuyến không giới hạn về không gian và thời gian. Kẻ lừa đảo có thể ngồi ở bất kỳ nơi nào trên thế giới để lừa đảo chúng ta ở Việt Nam hay bất kỳ một vị trí địa lý nào khác. Bên cạnh đó, các công nghệ mới ra đời như AI giúp cho các kẻ lừa đảo dễ dàng ứng dụng và ngụy trang các hành vi này một cách tinh vi hơn, khó phát hiện hơn.

Thách thức nữa được đặt ra là nhận thức của mọi người về lừa đảo trực tuyến còn chưa được nâng cao. Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc tuyên truyền để người dân có những kiến thức tốt về an ninh mạng.

Và một vấn đề quan trọng nữa là cá nhân khi mà bị lừa đảo thì khó chứng minh được nguồn gốc tài chính của mình. Do đó khi đã bị lừa cũng không dám trình báo các cơ quan chức năng để tiến hành xử lý.

Phóng viên: Như ông vừa chia sẻ việc lừa đảo trực tuyến cũng xuất phát phần nhiều từ sự nhẹ dạ, cả tin của những bị hại nhưng chúng ta cũng cần đặt câu hỏi về những biện pháp bảo mật của thiết bị. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của những giải pháp bảo mật truyền thống như tường lửa, các phần mềm diệt virus hay các phương thức phát hiện xâm nhập trong việc chống lừa đảo trực tuyến?

Ông Nguyễn Văn Thứ: Chúng ta cần phân biệt 2 đối tượng mà những kẻ lừa đảo sẽ nhắm tới. Thứ nhất là các cơ quan doanh nghiệp, thứ hai là người dân. Đối với các cơ quan, doanh nghiệp có nhiều giải pháp để bảo vệ: giải pháp về an ninh mạng, hệ thống firewall, các hệ thống phòng chống tấn công khai thác lỗ hổng web hoặc giải pháp về kiểm soát truy cập người dùng... Gần đây có rất nhiều giải pháp về giám sát, phát hiện sớm các dấu hiệu lừa đảo để ngăn chặn kịp thời.

Giải pháp an ninh mạng thì có rất nhiều, tuy nhiên theo như khảo sát của chúng tôi, có nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng trang bị đầy đủ các giải pháp an toàn. Và khi được trang bị rồi thì việc sử dụng các thiết bị đúng cách cũng đang làm chưa tốt. Các cán bộ công nghệ thông tin của cơ quan, tổ chức cũng chưa trang bị, nhận thức đầy đủ về an ninh mạng, do đó khâu vận hành các thiết bị chưa đạt được kết quả cao như mong muốn.

Về phía người dân, đây là đối tượng mà kẻ lừa đảo hướng đến nhiều nhất. Phần lớn những vụ lừa đảo trong thời gian vừa qua đều nhắm đến đối tượng này. Khi người dân nhận thức về vấn đề an toàn an ninh mạng chưa cao, dễ bị kẻ lừa đảo lợi dụng và sử dụng công nghệ mới để lừa đảo một cách tinh vi, khó phát hiện hơn.

Phóng viên: Rất nhiều nạn nhân bị dẫn dụ từ những bài đăng hay quảng cáo trên mạng xã hội, vai trò và trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ của các công ty công nghệ lớn như Facebook, Google như thế nào trong việc xây dựng môi trường trực tuyến an toàn và bảo mật?

Ông Nguyễn Văn Thứ: Chúng ta có thể thấy mạng xã hội mang lại rất nhiều những lợi ích không thể chối bỏ. Nhưng đây cũng là mảnh đất màu mỡ để những kẻ lừa đảo lợi dụng, thực hiện các hành vi xấu của mình. Về phía doanh nghiệp, việc có nhiều người dùng cũng giúp cho việc tuyên truyền về nhận thức, an ninh, đào tạo nhận thức cho mọi người một cách tốt hơn. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp mạng xã hội cần tuân thủ chính sách, pháp luật Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với chính quyền để giúp đỡ người dân xử lý các vấn đề lừa đảo.

Phóng viên: Các đối tượng lừa đảo thường nhằm mục đích lấy tiền từ bị hại và đa số là theo phương thức chuyển khoản ngân hàng. Hầu hết những vụ như thế này thì bị hại không thể lấy lại được tiền. Những tài khoản của những kẻ lừa đảo đều là những tài khoản ảo được mua lại từ những người khác. Theo ông, trách nhiệm của trách nhiệm từ phía ngân hàng và những chủ tài khoản ảo này là như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Thứ: Trước khi đến với việc dùng tài khoản ngân hàng để nhận tiền, chuyển tiền, cũng phải đặt câu hỏi là làm thế nào đến được bước chúng ta chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Kẻ gian có thể lợi dụng giả mạo các cơ quan chuyên môn, công an, các cơ quan báo chí, luật sư để lừa đảo người dùng với hình thức ngày một tinh vi hơn. Và điều này rất khó để mọi người có thể nhận biết được. Chúng ta cần nâng cao nhận thức trước. Khi gặp phải các tình huống lừa đảo xảy ra, các ngân hàng cùng phối hợp các cơ quan khác như công an, các doanh nghiệp viễn thông... thì mới giải quyết được hiệu quả. Còn đối với một mình bản thân ngân hàng rất khó để xử lý vấn đề này. Các ngân hàng nên nâng cao việc rà quét các tài khoản ảo, tài khoản rác để dễ dàng cho mọi người nhận biết.

Phóng viên: Hiện tại bên cạnh việc tuyên truyền và nâng cao sự cảnh giác đối với người dân thì cũng đã có nhiều biện pháp công nghệ dần được áp dụng, từ những trang web tự phát của cá nhân, tổ chức tổng hợp lại số điện thoại, những tài khoản ngân hàng giả mạo cho đến việc thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia. Theo ông việc này có giúp ngăn chặn và đặc biệt xử lý nhanh để bảo vệ những người bị hại trước khi những kẻ lừa đảo kịp tẩu tán tài sản hay không?

Ông Nguyễn Văn Thứ: Các tổ chức, hiệp hội được ra đời trong thời gian gần đây đã giúp đỡ người dân rất nhiều về nhận thức và nâng cao sự cảnh giác đối với các hình thức lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên để phòng chống tội phạm an ninh mạng thì không chỉ là các cơ quan chuyên môn của một tổ chức, một cơ quan mà chúng ta cần phải có sự kết hợp của rất nhiều các bên như: Hiệp hội An ninh mạng, Công an, Báo chí, Truyền thông, Doanh nghiệp viễn thông và tất cả người dân cần phải phối hợp chặt chẽ. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, các tổ chức hoạt động tương đối độc lập chưa có sự nhất quán và chung tay lại để giải quyết vấn đề. Tôi nghĩ là để nhanh chóng tìm kiếm, xác định kẻ bị hại trước khi xảy ra những hậu quả đáng tiếc thì cũng cần phải chờ thời gian để xem xét và đánh giá thêm.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về xu hướng mà các đối tượng lừa đảo sử dụng trong tương lại. Đặc biệt là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI? Chúng ta có thể ứng dụng AI trong việc chống lừa đảo trực tuyến hay không?

Ông Nguyễn Văn Thứ: Việc ứng dụng AI giúp phát hiện dấu hiệu lừa đảo nhanh chóng hơn. Tôi lấy ví dụ như phần mềm diệt virus ngày xưa, một ngày thì chỉ có đâu đó vài chục mẫu virus mới. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại một ngày có đến hàng trăm, hàng nghìn mẫu virus mới. Nếu như chúng ta không ứng dụng công nghệ AI thì khó phát hiện và xử lý vấn đề. Đây là cuộc đối kháng giữa các doanh nghiệp nghiên cứu và tổ chức tội phạm mạng. Chúng ta cần phải tập trung nghiên cứu một cách bài bản để khi ứng dụng AI sẽ hoạt động đúng cách và đạt hiệu quả cao hơn.

Phóng viên: Thực tế Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thông tin nhanh nhất trên thế giới với lực lượng công nghệ thông tin hùng hậu và dồi dào, nhưng để đầu tư vào công nghệ phòng chống lừa đảo trực tuyến có vẻ chưa hấp dẫn đối với các doanh nghiệp. Theo ông thì cần phải có cơ chế và chính sách như thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nữa về việc chống lừa đảo trực tuyến?

Ông Nguyễn Văn Thứ: Hiện nay ở Việt Nam có hàng trăm doanh nghiệp cung cấp các giải pháp dịch vụ về an ninh mạng trên thị trường. Tuy nhiên số lượng các đơn vị nghiên cứu các giải pháp rất ít và chỉ một vài doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư làm việc này. Đây là nhóm các doanh nghiệp đi đầu khai phá và mở ra thị trường. Và để khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu hơn nữa cần có những cơ chế, chính sách riêng như ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy thị trường lành mạnh thì tôi tin là số lượng các doanh nghiệp tham gia vào vấn đề nay sẽ tăng lên.

Nội dung đầy đủ chương trình tọa đàm có thể xem tại đây

Bkav