Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống Mã độc của Bkav – Vũ Ngọc Sơn giao lưu cùng Bfans
10:23:00 | 07-06-2021

CEO Nguyễn Tử Quảng từng chia sẻ: “Chúng tôi coi Bphone Fans là cộng đồng tinh hoa… Fans của Bphone thật sự là những người chung chí hướng với Bkav, muốn thúc đẩy Việt Nam trở nên hùng cường nhờ công nghệ”. Vì lẽ đó, Bkav muốn đến gần hơn, tiếp xúc và chia sẻ nhiều hơn với các Bfans.

Từ tháng 3/2021, Tập đoàn tổ chức các chương trình giao lưu giữa các lãnh đạo cấp cao của Bkav, với cộng đồng Bfans. Tại đây, mọi góp ý, thắc mắc từ các Bfans dành Bkav, xoay quanh chủ đề của buổi giao lưu đều được ghi nhận và giải đáp.

Chương trình giao lưu giữa Phó Chủ tịch Vũ Ngọc Sơn và cộng đồng Bfans chiều ngày 30/3:

BMS có chặn tin nhắn rác rất hay, từ đâu Bkav lại có ý tưởng như vậy?

Cách đây 10 năm, tình trạng tin nhắn rác thực sự là vấn nạn đối với người dùng. Hình thức phát tán tin nhắn chủ yếu là dùng các thiết bị chuyên dụng để lắp SIM rác và phán tán. Thời điểm đó, các giải pháp chặn tin nhắn rác là chặn theo số phát tán, dẫn tới khi đối tượng phát tán tin nhắn rác thay đổi SIM là không chặn được. Bkav đưa ra giải pháp sử dụng thuật toán để phân tích nội dung, nhờ đó có thể chặn tin nhắn mà không phụ thuộc số điện thoại gửi. Nhờ đó có thể chặn được 100% tin nhắn rác.

Phần mềm chặn tin nhắn rác chỉ chạy trên điện thoại để phân tích tin nhắn SMS hay gửi về máy chủ của Bkav để phân tích? Nếu xử lý ngay tại máy, làm cách nào để biết tin nhắn đó không bị sao chép lưu lại một bản ở đâu đó có thể sau này quên không xóa chẳng hạn. Nếu gửi về máy chủ để phân tích thì có mã hóa nội dung trước khi truyền không? Ngoài ra, để chặn được tin nhắn rác dựa trên nội dung thì phần mềm phải đọc nội dung, vậy SMS là một bức thư và BMS đã đọc nó trước chủ nhân, có cách nào đảm bảo với khách hàng nội dung đó không dùng với mục đích xấu như quảng cáo…?

Câu hỏi của bạn rất thú vị! Phần mềm chặn tin nhắn rác phân tích và lọc tin trên điện thoại, không gửi tin nhắn về máy chủ. Bạn có thể ngắt mạng internet sẽ thấy BMS vẫn chặn tin nhắn rác bình thường. BMS không lưu lại bản sao vì việc xử lý hoàn toàn trên RAM. Nội dung tin nhắn được đưa vào bộ lọc smart filter, bộ lọc này sẽ xử lý tin nhắn theo thuật toán chứ không theo kiểu nhận diện của con người, nên bạn có thể yên tâm. Chắc chắn không có đoạn code nào khai thác nội dung tin nhắn ngoài mục đích chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Tôi dùng Bkav Pro nhiều năm nay, máy tính chưa bị virus ăn dữ liệu bao giờ. Với những trường hợp virus mới mà Bkav chưa có mẫu hay mã độc thì Bkav đã có những cách nào xử lý được không? Và Bkav có dự định mang phần mềm diệt virus bán ở nước ngoài không?

Bạn hỏi rất hay! Cuộc chiến giữa hacker với nhà sản xuất phần mềm diệt virus luôn là cuộc chiến không có hồi kết. Hacker tạo ra virus muốn AV không phát hiện ra, vì vậy hacker có thể test với AV mới nhất, đến khi nào AV không phát hiện thì hacker mới phát tán mã độc. Ngược lại, AV phải có mẫu virus mới cập nhật phương án (giống như có mẫu virus thì mới có vaccine). Để vượt qua được sự chậm trễ này, Bkav đã đưa ra giải pháp dùng Trí tuệ nhân tạo để diệt virus mà không cần nhận diện mẫu nhận diện. Bạn có thể tìm hiểu thêm về công nghệ này trên website bkav.com.vn nhé.

Bạn biết đấy, virus là không biên giới, mạng interner - môi trường phát tán virus cũng là không biên giới, vì vậy phần mềm diệt virus cũng là không biên giới. Mỗi ngày, Bkav thu thập và xử lý hơn 1.5 triệu mẫu virus mới trên toàn cầu. Như vậy, Bkav có thể bán phần mềm ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Bkav cũng đã có kế hoạch cụ thể, từng bước bán sản phẩm ra toàn cầu.

Nếu số điện thoại từng bị BMS chặn được khôi phục, AI sẽ học để bỏ chặn số đó. Vậy trong trường hợp người dùng Reset máy, AI có phải học lại hay không? Bkav có phương án sao lưu kho Data để AI không phải học lại không?

Đối với AI thì quan trọng nhất là Model của AI. Model AI thì được tạo ra từ phòng thí nghiệm của nhà sản xuất, sau đó update cho khách hàng. Còn những biện pháp như "học lại" ở máy người dùng thực chất là những tinh chỉnh nhỏ để làm mịn AI. Vì vậy nếu bạn reset máy thì cũng sẽ mất các tinh chỉnh này. Tất nhiên là sau đó bạn vẫn có thể update được Model mới từ nhà sản xuất về theo các bản OTA mới.

Anh có thể cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về việc BMS tự động gửi tin nhắn về máy chủ chống trộm của Bkav không? Bản chất vấn đề và cách khắc phục của Bkav?

Khi bắt tay vào làm tính năng chống trộm cho Bphone, team phát triển sản phẩm đã phân tích điểm mạnh, điểm yếu của các công nghệ chống trộm trên điện thoại di động vào thời điểm đó, bao gồm cả Blackberry, iOS, Android. Một trong những điều kiện tiên quyết của các hãng khác là điện thoại phải có kết nối mạng. Điều này khiến cho khả năng chống trộm tưởng như chặt chẽ lại trở thành nửa vời vì không phải điện thoại nào cũng có kết nối internet, đặc biệt lúc mất trộm.

Team đã thiết kế (và đã thực hiện đăng ký bảo hộ sáng chế) tính năng chống trộm điện thoại ngay cả khi không có internet, tăng khả năng chống trộm lên gấp nhiều lần so với các công nghệ hiện có. Theo thiết kế, khi có sự thay đổi SIM điện thoại trên Bphone sẽ có tin nhắn SMS để cập nhật thông tin thay đổi SIM lên hệ thống, đảm bảo tính năng chống trộm luôn kết nối, đảm bảo an toàn cho điện thoại trong các trường hợp xấu bị mất máy, mất internet. Tin nhắn chống trộm gửi tới đầu số của Bkav là tin nhắn thông thường. Cũng giống như khi kích hoạt iMessage trên Iphone, điện thoại iPhone cũng phát sinh tin nhắn SMS như vậy. Việc chống trộm qua tin nhắn SMS cũng đã được Bkav nói rõ trong các hướng dẫn sử dụng tính năng Chống trộm, cũng như qua các giải đáp với người dùng Bphone từ Bkav. Một số trường hợp rất ít là do lỗi nhà mạng không gửi được tin nhắn đi, dẫn tới phải gửi lại nhiều lần và hiện tại đã được khắc phục, hoàn phí gửi tin nhắn.

Mã độc sẽ phát triển như thế nào trong tương lai tại Việt Nam? Các hacker ở Việt Nam có đang tạo ra nhiều mã độc để làm chuyện xấu không?

Mã độc cũng là một dạng phần mềm, chỉ có điều nó được thiết kế ra để phục vụ mục đích xấu. Vì vậy, tương lai của mã độc cũng sẽ có những tương đồng với công nghệ phần mềm nói chung. Ví dụ như cách đây vài năm, khi Trí tuệ nhân tạo bắt đầu được ứng dụng nhiều thì Bkav cũng đã cảnh báo sẽ có mã độc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự biến đổi, thích nghi và tìm đối tượng lây nhiễm... Một thời gian sau đó thì dự đoán này đã đúng, đã xuất hiện loại mã độc như vậy.

Cách đây khoảng 15 năm thì “phong trào” tạo ra mã độc tại Việt Nam khá “sôi động”. Tuy nhiên, phần lớn mã độc thời điểm đó tại Việt Nam để hacker “thể hiện” là chính, một số trường hợp thì phát tán mã độc để tạo mạng botnet, sau đó dùng mạng này để uy hiếp, tống tiền các doanh nghiệp. Gần đây thì hoạt động này đã rút vào hoạt động ở thế giới ngầm vì chúng ta đã có luật an ninh mạng và việc phát tán mã độc sẽ bị xử lý hình sự.

Hiện nay, nhiều kẻ xấu sử dụng công nghệ deepfake để lừa đảo. Bkav có cách nào phòng chống việc này không?

Câu hỏi của bạn rất thú vị! Bkav luôn theo dõi các vấn đề tương tự để “phát hiện” ra những nguy cơ và “giải pháp” để phòng chống. Có một nguyên tắc là dùng công nghệ để chống lại công nghệ. Về cơ bản deepfake dùng AI, cũng có thể dùng AI để xử lý deepfake.

Tại sao BMS lại được tích hợp miễn phí trên Bphone và liên tục được cập nhật các tính năng mới nhất, như vậy không phải mảng an ninh mạng mất đi một tệp khách hàng tiềm năng hay sao, lý do nào mà Bkav quyết định từ bỏ 1 nguồn lợi nhuận tốt như vậy?

Tuy cùng tập đoàn nhưng thực chất thì BMS được công ty Bkav Electronic (công ty chịu trách nhiệm sản xuất Bphone) mua bản quyền từ Bkav Pro (công ty sản xuất phần mềm diệt virus) để trang bị cho sản phẩm Bphone tặng khách hàng. Như vậy, Bkav Electronic đã trả phí thay cho khách hàng, đấy cũng là một giá trị gia tăng mà khách hàng được hưởng khi sử dụng Bphone.

Ở Bkav có nhiều người giỏi, mình gọi người giỏi là một ngôi sao. Bạn có thể cho biết Bkav tuyển dụng ngôi sao hay tạo cơ chế để phát huy tài năng của các thành viên thành ngôi sao?

Không ai sinh ra đã là ngôi sao hay được định hướng trở thành ngôi sao. Tất nhiên có những người có tố chất tốt thì việc trở thành sao có thể thuận lợi hơn, nhưng cũng không phải quá quyết định. Mình cho rằng, tài năng của một con người có thể được hình thành bằng cách rèn luyện trong môi trường thực tế, với định hướng đúng và có khát vọng. Mình cũng áp dụng nguyên tắc này trong việc tuyển dụng. Rất nhiều bạn khi tuyển dụng không thể hiện được nhiều (và điều đó cũng không quá quan trọng), nhưng sau một thời gian rèn luyện chăm chỉ, đã có những bước đột phá và có thể trở thành ngôi sao như bạn nói. Tất nhiên có những ngôi sao lớn, ngôi sao nhỏ, nhưng mỗi ngôi sao đều có vai trò nhất định trong hệ sinh thái của công ty.

Chương trình giao lưu giữa Phó Chủ tịch Vũ Ngọc Sơn và cộng đồng Bfans chiều ngày 7/5, chủ đề ‘Phần mềm gián điệp – Nguy cơ không của riêng ai’:

Trước khi bắt đầu, anh Sơn chia sẻ một số thông tin về chủ đề:

Tháng 10/2014, ngân hàng hàng đầu thế giới JP Morgan bị xâm nhập, thông tin của 83 triệu khách hàng đã bị đánh cắp.

Tháng 11/2014, hãng phim Sony Pictures bị tấn công, hàng Terabyte dữ liệu nhạy cảm, bao gồm thông tin số an sinh xã hội, hộp thư điện tử và tiền lương của các ngôi sao và nhân viên của Sony, cũng như bản sao các bộ phim bom tấn chưa kịp phát hành đã bị đánh cắp.

Đầu năm 2020, SolarWinds – chuỗi cung ứng an ninh mạng lớn và rất có uy tín của Mỹ bị tấn công. Đây được xem là một vụ tấn công có quy mô lớn nhất và tinh vi nhất, hậu quả của nó là có thể ảnh hưởng tới hơn 300.000 khách hàng lớn trên toàn thế giới của Solar Winds, trong đó bao gồm các công ty nằm trong danh sách Fortune 500 toàn cầu, các cơ quan chính phủ, quân đội, tổ chức giáo dục, các công ty viễn thông lớn, điển hình như Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Bưu điện, Bộ Tư pháp và Văn phòng Tổng thống Mỹ… Theo số liệu được công bố tại thời điểm đó, SolarWinds cho biết ít nhất 18.000/300.000 khách hàng của họ đã nhiễm mã độc.

Tại Việt Nam, tháng 7/2016, website của Vietnam Airlines bị deface với hình ảnh nhóm hacker 1937cn, đồng thời dữ liệu của hơn 400.000 khách hàng Bông Sen Vàng bị rò rỉ lên mạng. Chưa dừng lại, hệ thống âm thanh và thông báo tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Nội Bài bị can thiệp, sửa đổi hiển thị hình ảnh và âm thanh xuyên tạc về vấn đề Biển Đông, Vietnam Airlines.

Tất nhiên, các vụ việc trên đây vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhiều sự việc chưa hoặc không bao giờ được công bố vì nhiều lý do khác nhau. Đặc điểm chung của các cuộc tấn công này là có sự tham gia của một loại phần mềm, nói đúng hơn là một loại mã độc có tên là Phần mềm gián điệp – Spyware.

Trên bình diện các quốc gia, phần mềm gián điệp đã và đang được một số nước sử dụng như những công cụ để phục vụ hoạt động tình báo. Một hoạt động vốn vô cùng phức tạp, tốn kém cả về nhân lực, vật lực và thời gian (có khi đến hàng chục năm để xâm nhập) nếu thực hiện theo cách truyền thống, chưa kể đó luôn là “nghề nguy hiểm” vì rủi ro vô cùng cao, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng của người tình báo viên, xa hơn là một cuộc chiến giữa 2 quốc gia nếu chẳng may bị lộ. Trong khi, với phần mềm gián điệp, nếu một quốc gia có ý đồ với một quốc gia khác thì việc xâm nhập, thu thập thông tin có thể chỉ cần dùng phần mềm gián điệp là xâm nhập bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào của quốc gia mục tiêu.

Các bạn BFC thân mến, đã bao giờ các bạn nghĩ: Mình chỉ là người dùng bình thường, mình không phải là “yếu nhân” trong một hệ thống quan trọng, một cơ sở quan trọng thì phần mềm gián điệp chẳng tấn công mình đâu?

Câu trả lời là KHÔNG. Các vụ tấn công kể trên, phần lớn xuất phát điểm lại từ những máy tính rất bình thường, ít ngờ nhất trong hệ thống bị tấn công. Từ các máy tính này, coi như hacker đã đặt được một “mũi tấn công” vào trong hệ thống, từ đó tiếp tục tấn công tiếp lên các máy tính quan trọng hơn, hay còn gọi là leo thang, nâng quyền. Rõ ràng, một hệ thống dù được bảo vệ chặt chẽ đến đâu thì tấn công từ bên trong bao giờ cũng sẽ dễ hơn rất nhiều khi tấn công từ bên ngoài.

Các bạn hẳn cũng đã đọc và biết về câu chuyện con ngựa gỗ thành Troy, đó là một ví dụ kinh điển và cũng là “cảm hứng” để đặt tên cho một loại mã độc vốn được sinh ra để xâm nhập, mở cổng hậu cho một cuộc tấn công lớn hơn, mã độc Trojan. Một phần nào đó, Spyware cũng có thể coi là một phiên bản tiến hóa, nâng cấp, dân dã hơn thì gọi là “đột biến” của loại mã độc Trojan.

Phần giao lưu giữa anh Sơn và cộng đồng Bphone Fans Club:

Làm thế nào để tự bảo vệ bản thân khỏi các cuộc tấn công trên mạng?

Người dùng cần rèn luyện cho mình các thói quen, gồm: Không tùy tiện mở các đường link không rõ nguồn gốc; Không mở các file tải về từ Internet một cách trực tiếp, cần mở file trong chế độ thực thi an toàn Safe Run; Chỉ cài đặt phần mềm từ website chính thức của nhà sản xuất; Cập nhật đầy đủ bản vá cho các lỗ hổng của hệ điều hành, lỗ hổng phần mềm trên máy tính; Định kỳ sao lưu dữ liệu sang thiết bị khác, đề phòng bị xóa dữ liệu.

Tất nhiên, không phải lúc nào người dùng cũng có thể tuân thủ một cách nghiêm ngặt các phương pháp kể trên. Đặc biệt, nếu người dùng nhận được file đính kèm trong email hay qua chat từ một người thân, mà người dùng không biết là hacker giả mạo hoặc đã hack nick, thì khả năng bị lừa để mở file mã độc là rất cao. Vì vậy, trong mọi trường hợp thì người dùng cần trang bị phần mềm diệt virus thường trực trên máy tính, điện thoại để bảo vệ máy tính, bảo vệ dữ liệu của mình.

Bphone được xem là bảo mật tốt nhất, người tiêu dùng cũng tìm đến Bphone vì khả năng bảo mật cao, vậy Bphone được bảo mật những gì?

Bphone được trang bị phần mềm BMS tích hợp sâu vào nhân của hệ điều hành BOS, vì vậy có thể bảo vệ chặt chẽ hơn so với BMS trên các điện thoại khác. Ngoài diệt virus, chặn tin nhắn rác, chặn tin nhắn lừa đảo thì một tính năng mà người dùng sẽ thấy hữu ích là chống trộm rất tốt. Như vậy, người dùng mới có thể yên tâm sử dụng điện thoại và có trải nghiệm tốt nhất, thay vì luôn phải thường trực nỗi lo bị tấn công, mất an toàn thông tin khi sử dụng điện thoại. Đó là giá trị quan trọng nhất mà các biện pháp an ninh cho Bphone mang lại.

Mối hiểm họa từ phần mềm gián điệp là gì? Có phải Việt Nam đang là nước được cảnh báo mức độ ảnh hưởng cao so với thế giới không?

Thật không may, Việt Nam luôn nằm trong top các nước bị nhiễm virus nhiều nhất thế giới, nhưng đó là trước kia. Gần đây điều này đã thay đổi. Các thay đổi đến từ quyết tâm của chính phủ, đặc biệt trong các năm trở lại đây, khi chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Trong các văn bản, hướng dẫn của chính phủ thì an ninh mạng đã là một vấn đề được nhắc đến rõ nét là cần được quan tâm và đầu tư đúng mức trong các dự án về IT. Chúng ta cùng kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm thoát khỏi cảnh luôn phải lo lắng về an ninh mạng, không những thế còn vượt lên trở thành cường quốc về an ninh mạng, xuất khẩu phần mềm về an ninh mạng ra thế giới.

Hiện nay phần mềm nghe lén điện thoại miễn phí còn có thể “hack” thông tin. Ngoài ra, người dùng có thể chuyển hướng cuộc gọi, tham gia vào một cuộc gọi khác hoặc gửi tin nhắn, email một cách tự động. Tất cả video, file ảnh trong điện thoại của người dùng đều được lưu trữ trong thiết bị. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền cá nhân. Vậy trên Bphone có dễ dàng thực hiện điều này không?

Điện thoại di động vô cùng tiện lợi, thật không may nó lại rất dễ bị “tổn thương”, bị tấn công cài phần mềm nghe lén, theo dõi người dùng. Bphone “may mắn” khác biệt so với các điện thoại khác vì Bphone được sinh ra từ nhà sản xuất vốn đi lên từ an ninh mạng. Các kỹ sư của Bkav dù làm trực tiếp hay không trực tiếp về an ninh mạng đều phải trải qua một khóa đào tạo về an ninh mạng, lập trình an toàn trước khi làm sản phẩm. Vì thế, có thể nói “ADN an ninh mạng” có lẽ đã nằm sẵn trong cách làm việc của các kỹ sư thiết kế của Bkav. Đặc biệt, trong quy trình phát triển sản phẩm của Bkav thì thiết kế về ANM luôn được đặt ra quan trọng ngang với các vấn đề về tính năng của phần mềm. Có thể nói, Bphone là điện thoại an toàn nhất mà tôi từng biết.

Nếu đội ngũ kỹ sư Bkav đã giỏi vậy, hacker vẫn có người giỏi hơn thì làm sao có thể bịt được hết mọi lỗ hổng?

Câu hỏi của bạn rất hay! Nếu "thi đấu" thì chuyên gia và hacker ai giỏi hơn ai? Trường hợp xấu, hacker giỏi hơn chuyên gia thì sao? Câu trả lời ở đây là KHÔNG. Không thi được giữa chuyên gia với hacker, vì con đường của 2 đối tượng này chọn khác nhau. Một là xây để chống, 1 là phá để xâm nhập. Một chuyên gia giỏi không nhất thiết phải phá giỏi hơn hacker, chỉ cần biết cách hacker phá để xây chắc hơn mà thôi. Công việc này sẽ lặp đi lặp lại không ngừng.

Hiện giờ chắc chắn dữ liệu cá nhân từ Gmail, Facebook hay các phần mềm khác bị rò rỉ đâu đó. Làm thế nào để có thể bắt đầu lại việc quản lý chặt thông tin cá nhân?

Thông tin của người dùng có thể rò rỉ theo các con đường sau:

(1) Do chính thiết kế của sản phẩm công nghệ thông tin người dùng đang sử dụng

(2) Do máy chủ lưu trữ thông tin của nhà cung cấp dịch vụ bị hacker xâm nhập

(3) Do đường truyền của người dùng không được đảm bảo, có người thứ 3 theo dõi

(4) Do người dùng đặt mật khẩu yếu, dễ đoán

(5) Do thiết bị của người dùng bị cài phần mềm gián điệp, theo dõi

Các nguyên nhân này đôi khi diễn ra độc lập, đôi khi đồng thời. Để chắc chắn, người dùng cần "quy hoạch" lại các thông tin của mình để có thể hạn chế tối đa nguy cơ bị rò rỉ thông tin. Theo đó, tùy loại dịch vụ mà người dùng sẽ cung cấp các thông tin tối thiểu nào, thậm chí có những thông tin không bao giờ cung cấp trên các dịch vụ Internet.

Chúc các bạn luôn an toàn khi tham gia Internet!

Bài giới thiệu về Phó Chủ tịch Vũ Ngọc Sơn từ bạn Thiên Nhiên, thành viên BFC:

B - Bạn của mọi người: Tiếp nhận đăng ký, đặt mua, gọi điện xác nhận. Ngay từ tiếp xúc đầu tiên này, Bkav Pro đã mang lại sự thân thiện, sự nhiệt tình, sự tôn trọng, cho dù có thể có người chỉ đăng ký cho biết chứ chưa định mua.

K - Không nói không: Gọi điện cho khách hàng sau 2 tuần sử dụng Bkav Pro, cảm ơn khách hàng, hỏi thăm xem khách hàng có vấn đề gì về việc cài đặt, sử dụng Bkav Pro không. Nói để khách hàng hiểu bất cứ vấn đề gì mà khách hàng gặp phải đều sẽ được hỗ trợ nhiệt tình.

A - Áo đen: Hỗ trợ kỹ thuật, chuẩn đoán bệnh của máy tính khách hàng, giúp nhanh chóng giải quyết dứt điểm vấn đề trục trặc liên quan đến máy tính, không cứ là liên quan đến virus. Như những hiệp sỹ luôn sát cánh, sẵn sàng trợ giúp, hỗ trợ bảo vệ khách hàng trong mọi tình huống.

V - Vô hình: Giải mã virus, phát triển công nghệ mới, là những chuyên gia, khắc tinh của virus máy tính. Họ là những chiến binh thầm lặng, bộ não của Bkav Pro. Họ không tiếp xúc với khách hàng, khách hàng không biết đến họ nhưng chính họ là những người đưa ra phương thức để ngăn chặn những đợt bùng phát của virus.

Trên đây là nghĩa 4 chữ B-K-A-V của riêng mảng phần mềm diệt virus Bkav Pro tương ứng với 4 bộ phận được đặt tên cho các khâu bán hàng, chăm sóc khách hàng, hỗ trợ khách hàng và nghiên cứu phát triển mà tôi được anh Vũ Ngọc Sơn - Phó chủ tịch mảng chống mã độc của Bkav tiết lộ.

Anh Sơn đến với Bkav từ năm thứ ba khi đang học Đại học Bách Khoa Hà Nội, dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của anh Nguyễn Tử Quảng, anh bắt đầu có những bài học đầu tiên về virus máy tính với khẩu hiệu "Không quyết liệt, kết quả sẽ làng nhàng". Sau ngần ấy thời gian từ một chàng trai 20 tuổi, đến bây giờ đã ở cái ngưỡng ngoài 40 anh vẫn thấy câu đó luôn đúng với mọi hoàn cảnh công việc lẫn cuộc sống.

Đặt câu hỏi về điều anh Quảng từng nói đến nền công nghệ Việt Nam trong tương lai "Việt Nam sẽ trở thành con rồng Châu Á tiếp theo và không thể không dựa vào Công nghệ", anh cho biết : "Ngành Công nghệ Thông tin không giống như ngành khác, không cần đầu tư quá lớn về cơ sở vật chất và tài chính mà chỉ cần hai thứ : máy tính và tri thức. Như vậy, chuyên gia của Mỹ hay Việt Nam đều bình đẳng với nhau về mặt công cụ sản xuất, còn về tri thức và sự sáng tạo thì các chuyên gia Việt Nam không hề thiếu".

Tôi có "thăm dò" đồng nghiệp của anh Sơn trước khi tiếp xúc với anh và được nghe những điều rất hay. Tôi cũng xin phép được chia sẻ cùng anh chị em gia đình mình:

"Hihi, anh ấy hay lắm. Anh Sơn là một người cực kỳ cầu toàn nên ai trong công ty làm việc với anh ấy cũng có chút áp lực (Cười). Đôi khi cảm thấy hơi sợ. Nhưng với công việc là vậy còn thực tế anh ấy là người ấm áp mỗi khi thấy anh ấy chơi với con, rất quan tâm vợ, hì, đặc biệt anh ấy còn làm bánh rất giỏi".

Cảm ơn anh, những con người "vô hình" ở Bkav vẫn luôn miệt mài với đam mê riêng mình, mang lại những giá trị công nghệ cho đất nước ở hiện tại và tương lai. Tôi tin, với cách làm việc quyết liệt, luôn tìm ra bản chất vấn đề từ văn hóa công ty. Nền công nghệ Việt nói chung và công ty Bkav sẽ mang lại giá trị tạo nên con Rồng tiếp theo của Châu Á.

Bkav, Bphone Fans Club