Đi tìm triết lý của tin học hóa
07:53:00 | 12-10-2010

Trong một dịp trò chuyện cùng phóng viên báo Thế giới vi tính (PC World Việt Nam), Tổng giám đốc Bkav Nguyễn Tử Quảng đã chia sẻ quan điểm, triết lý của ông trong việc tin học hóa, xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Triết lý đó đã được Bkav áp dụng để phát triển thành công Bộ giải pháp Chính phủ điện tử Bkav eGov. Bkav.com.vn xin được đăng tải nội dung cuộc trao đổi này.

(PC World) Cụm bài "Địa phương mạnh về CNTT" (TGVT tháng 8/2010) đề cập đến vai trò của người lãnh đạo trong các dự án tin học hóa hành chính. Liệu vai trò đó có phải là yếu tố quyết định sự thành/bại của dự án tin học hóa hành chính? Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Công ty Bkav, đã mang đến một góc nhìn khác về vấn đề này.

PV: Được biết đến nhiều hơn với vai trò một đơn vị chuyên nghiên cứu an ninh mạng và phần mềm diệt virus, vì sao ông lại quan tâm đến vấn đề tin học hóa hành chính?

Ông Nguyễn Tử Quảng: Tôi quan tâm đến Chương trình Quốc gia về CNTT với nội dung chính là tin học hóa hành chính, sau đó là Đề án 112 từ đầu những năm 2000. Chương trình đã thu hút rất nhiều chuyên gia nhiệt huyết với nhiều nỗ lực, nhưng kết quả không như mong muốn. Chương trình không chỉ khiến tôi mà nhiều người trăn trở. Từ đó, tôi suy nghĩ và rút ra được triết lý cho riêng mình để làm sao triển khai thành công CPĐT (ngày đó gọi là tin học hóa hành chính). Trong thời gian đó, tôi tình cờ tìm được bài viết "Bác Hồ làm dân vận ở Thái Lan". Bài viết này đã giúp tôi củng cố thêm triết lý tin học hóa, sau đó tôi đã viết một bài báo đăng trên TGVT số tháng 11/2003 với nhan đề "Hiệu quả ứng dụng CNTT: Tiên trách kỷ hậu trách nhân". Trong bài viết đó, tôi đề cập đến vấn đề khi triển khai dự án thất bại, người triển khai dự án CNTT thường trách cứ người sử dụng, trách lãnh đạo của cơ quan thiếu quyết tâm, thay vì trách chính mình. Người triển khai dự án phải có những biện pháp để lôi kéo người sử dụng tích cực tham gia vào ứng dụng CNTT và quan trọng là phải coi đây là yếu tố quyết định tới thành công. Giống như triết lý lấy dân làm gốc của Bác Hồ khi làm cách mạng: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Trở lại vấn đề tin học hóa, cần phải có triết lý, triển khai một dự án CNTT không chỉ có công nghệ mà vấn đề xã hội chiếm đến một nửa, nó liên quan đến việc thay đổi thói quen của con người trong cả một hệ thống. Cần giác ngộ, lôi kéo họ bằng những thứ họ cần, một tính năng tiện ích, một công cụ dễ dùng… thay vì ép họ sử dụng phần mềm một cách duy ý chí khi mà họ chưa nhận thức được sự hữu ích của nó. Thực tế là nhiều nơi lãnh đạo rất quyết tâm nhưng dự án vẫn đổ vỡ, đó là vì chưa coi "lấy dân làm gốc" làm nguyên tắc khi triển khai.

Đáng tiếc, bài báo sau đó đã không có nhiều ý kiến phản hồi. Có vẻ như đó là một quan điểm lạ và nhiều người chưa rõ ý tưởng của tôi. Cuối cùng, tôi quyết định phải dùng thực tế để chứng minh triết lý này và Bkav đã chính thức tham gia lĩnh vực CPĐT.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về Dự án CPĐT mà công ty đang theo đuổi?

Ông Nguyễn Tử Quảng: Từ triết lý tôi đưa ra mô hình kiến trúc CPĐT. Kiến trúc này không hề phức tạp, gồm 5 tầng. Bắt đầu từ hạ tầng truyền thông, điều hành tác nghiệp trong nội bộ các cơ quan, sau đó kết nối liên thông, tiếp đến là cung cấp các dịch vụ công và cuối cùng là cung cấp giao diện tương tác với người dân thông qua Cổng thông tin điện tử. Nhưng quan trọng nhất là tầng thứ 2, tại đây phải làm bằng được việc giác ngộ, lôi kéo người sử dụng vào hệ thống. Nếu tầng này không thành công thì chắc chắn dự án sẽ thất bại. Các dự án, đề án trước đây không đi đến thành công chính là vì chưa làm tốt việc này mà đã tập trung quá nhiều cho các tầng khác, ví dụ như xây dựng portal. Tất nhiên, vẫn có thể xây dựng portal nhưng nó chỉ ở một cấp độ đơn giản, đến khi thực hiện xong các tầng từ 1-4 thì mới nên tập trung cho nó.

Dự án CPĐT Bkav eGov của Bkav đã được thực hiện trong 7 năm và xuyên suốt theo mô hình kiến trúc này cùng với triết lý lấy dân làm gốc, đến nay đã được triển khai thành công tại 18 tỉnh thành trên toàn quốc.

PV: Ông có vẻ rất lạc quan về tương lai của CPĐT ở Việt Nam. Vì sao ông có được sự lạc quan đó trong khi nguyên nhân bất thành của các dự án CNTT còn chưa sáng tỏ?

Ông Nguyễn Tử Quảng: Với những phân tích như ở trên, cũng như cách đây 7 năm trong bài báo "Tiên trách kỷ hậu trách nhân" tôi đã chỉ ra nguyên nhân căn bản của thất bại trong các dự án CNTT ở Việt Nam. Tại các quốc gia phát triển, họ đã qua cuộc "cách mạng về con người", người dùng đã quen với CNTT, nên họ không cần phải quá tập trung vào việc "dân vận". Trong khi đó, thực tế tại Việt Nam hầu hết người dùng của ta chưa nhận thức được sự hữu ích của ứng dụng tin học hóa, còn nhiều lãnh đạo chưa thông, tiền chúng ta lại không nhiều. Chúng tôi vẫn triển khai thành công vì có triết lý, từ triết lý chúng tôi có được mô hình và phần mềm có thể tạo ra sự khác biệt. Vì vậy, tôi hoàn toàn lạc quan về tương lai của CPĐT ở Việt Nam.

PV: Nhiều chuyên gia về CPĐT đã chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất khi triển khai CPĐT ở Việt Nam là do nền hành chính không ổn định. Ông có cho rằng triết lý của mình phù hợp với Việt Nam?

Ông Nguyễn Tử Quảng: Tôi không coi việc các thủ tục hành chính không ổn định là vấn đề. Trái lại, đó là điều hiển nhiên, là sự vận động tất yếu của xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở các nước phát triển thì các quy trình, thủ tục hành chính thay đổi cũng là một nhu cầu rất tự nhiên. Thậm chí, lấy ví dụ với các tiêu chuẩn ISO, việc rà soát, xem xét lại các quy trình sau một thời gian vận hành còn là một yêu cầu bắt buộc để đánh giá xem các quy trình đã hợp lý chưa, có cần phải thay đổi gì không. Đó là quy luật của sự vận động.

"Với tin học hóa, cần phải có "triết lý"! Triển khai dự án CNTT không chỉ có công nghệ mà vấn đề xã hội chiếm đến một nửa, nó liên quan đến việc thay đổi thói quen của con người trong cả một hệ thống".

Nguyễn Tử Quảng

Vì vậy, không thể coi "nền hành chính ổn định" là điều kiện để triển khai CPĐT thành công. Tôi dám chắc là không bao giờ có chuyện đó. Vấn đề là giải pháp CNTT khi áp dụng phải đáp ứng được sự thay đổi của quy trình, thủ tục hành chính trong thời gian ngắn nhất có thể. "Tiên trách kỷ hậu trách nhân", bạn sẽ thấy thay vì trách bộ phận hành chính mỗi khi họ thay đổi quy trình, ta phải trách phần mềm của anh CNTT không đáp ứng được với sự thay đổi quy trình đó. Nếu nắm rõ triết lý thì phần mềm phải được thiết kế để đáp ứng được điều này.

Nhân đây, tôi cũng xin đưa ra quan điểm về việc bấy lâu nay nhiều người vẫn băn khoăn là nên tin học hóa trước hay cải cách hành chính trước. Đây là hai quá trình tương hỗ, phải thực hiện song song. Sở dĩ, người ta nghĩ cần cải cách hành chính trước là mong có quy trình thủ tục hành chính ổn định rồi mới tin học hóa, tuy nhiên như tôi đã nói ở trên thủ tục hành chính luôn thay đổi theo quy luật vận động của xã hội, còn tin học hóa phải đáp ứng được sự thay đổi đó. Chính tin học hóa lại có tác dụng giúp thúc đẩy quá trình cải cách hành chính (chẳng hạn như rút ngắn các quy trình, thủ tục…) và ngược lại từ thực tế vận động của thủ tục hành chính, hệ thống phần mềm sẽ được cấu hình, điều chỉnh để hiệu quả hơn.

Lấy ví dụ khi chúng tôi triển khai giải pháp Điều hành tác nghiệp - Bkav eOffice tại Sở Nội vụ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngay sau khi áp dụng các quy trình xử lý nghiệp vụ hiện tại của Sở lên hệ thống, các nhân viên và lãnh đạo Sở thấy rằng khi tin học hóa, một số bước trong quy trình có thể được cắt bỏ để đơn giản hơn, đó chính là lợi ích của tin học hóa. Lãnh đạo Sở đã quyết định thực hiện luôn việc điều chỉnh này và cấu hình nó trên hệ thống phần mềm.

PV: Vậy ông nghĩ sao về vấn đề xã hội hóa đầu tư trong xây dựng CPĐT?

Ông Nguyễn Tử Quảng: Hiển nhiên cần phải xã hội hóa. Chúng tôi hiện tại cũng đang phát triển, kinh doanh các giải pháp CPĐT hoàn toàn độc lập và cung cấp cho các cơ quan chính phủ. Nếu Chính phủ thuê một công ty nào đó viết phần mềm dùng chung rồi đưa cho tất cả các nơi triển khai, việc này là không khả thi. Cho dù có một phần mềm được làm theo cách này đáp ứng yêu cầu dùng chung, thì CPĐT cũng không thể thành công. Vì sau đó, sẽ không có ai duy trì, phát triển nó, trong khi một sản phẩm muốn tồn tại và phát triển phải tự sống được bằng nội lực và sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Phần mềm trường tồn được là bởi niềm đam mê của những người sinh ra nó, nuôi dưỡng nó. Còn nếu được chỉ định làm theo dự án thì sản phẩm đó không có động lực, không có sức cạnh tranh, không đúng quy luật vận động của xã hội.

Xin cảm ơn ông !  

Theo PC World, Bkis