Chủ tịch Bkav Nguyễn Tử Quảng: Cần "Khoán 10" trong khoa học công nghệ
03:48:00 | 15-05-2025

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Bkav đã có những chia sẻ thẳng thắn, đầy tâm huyết về những rào cản hiện hữu cần được tháo bỏ để khoa học công nghệ phát triển bứt phá, đưa đất nước thực sự vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Bkav

Con đường trở thành nước phát triển vào năm 2045

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của khoa học công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước?

Nguyễn Tử Quảng: Công nghệ là con đường duy nhất để Việt Nam có thể vươn mình trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.

Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều đó. Không phải chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới, tất cả các cuộc cách mạng, từ cơ khí hóa, điện khí hóa, tự động hóa và bây giờ là thông minh hóa, đều bắt nguồn từ những thành tựu của khoa học công nghệ.

Không có gì phải tranh luận hay bàn cãi nữa. Công nghệ là nền tảng cốt lõi cho phát triển. Điều quan trọng lúc này không còn là nhận thức, mà là hành động. Chúng ta phải tập trung toàn lực để khoa học công nghệ thực hiện đúng vai trò dẫn dắt của mình. Đó là con đường tất yếu để phát triển.

Vậy tại sao từ trước đến nay, khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát dẫn dắt nền kinh tế đi lên, thưa ông?

Nguyễn Tử Quảng: Ngày 2/9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc lại một cột mốc rất đáng suy ngẫm. Đó là năm 1989, chỉ sau một năm thực hiện Nghị quyết 10, Việt Nam đã chuyển mình từ một quốc gia có 2 triệu người thiếu đói trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới.

Và điều kỳ diệu ấy bắt nguồn từ một văn bản duy nhất – Nghị quyết 10, hay còn gọi là Khoán 10. Văn bản ấy đã cởi trói cho sức lao động của toàn xã hội.

Trước đó, mọi nguồn lực đều bị trói chặt trong mô hình hợp tác xã, trong cơ chế tập trung, bao cấp. Nhưng chỉ với một thay đổi chính sách, hàng chục triệu người dân đã được trao quyền chủ động. Chính điều đó đã giải phóng lực lượng sản xuất, tạo nên bước đột phá lịch sử.

Tôi làm việc trong lĩnh vực công nghệ từ năm 1995, đến nay đã gần 30 năm. Tôi rất thấm thía điều đó.

Hiện, lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam cũng đang vướng vào một tình trạng tương tự, lực lượng sản xuất đã có, tiềm năng đã rõ, nhưng đang bị quan hệ sản xuất kìm hãm. Giống như ngành nông nghiệp trước đây, lĩnh vực khoa học công nghệ đang bị giữ chân, không phát triển được.

Các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghệ đang cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp tư nhân. Tương tự như trước đây, các hợp tác xã cạnh tranh với hộ cá thể, làm triệt tiêu sức lao động của cả xã hội, kìm hãm tương lai phát triển của đất nước mà cơ hội duy nhất chính là khoa học công nghệ.

Ông đang đặt niềm tin rất lớn rằng, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, nếu được cởi trói sẽ phát triển mạnh mẽ, bứt phá. Liệu các doanh nghiệp tư nhân trong nước có đủ năng lực làm được điều này? Và ông có quá tự tin hay không?

Nguyễn Tử Quảng: Người Việt Nam cực kỳ giỏi. Vấn đề không phải là năng lực, mà là môi trường để năng lực ấy được bung ra.

Ngay cả công nghệ đang làm cả thế giới chấn động như ChatGPT – người Việt Nam cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bốn công nghệ lõi tạo nên ChatGPT, thì trong đó có hai công nghệ, tác giả và đồng tác giả đều là người Việt Nam.

Đó là bằng chứng không thể phủ nhận, người Việt rất xuất sắc. Nhưng thành công chỉ đến khi họ được đặt vào một môi trường phù hợp, nơi tài năng không bị cản trở.

Tôi còn nhớ lúc Covid-19 bùng phát, trong suốt một năm rưỡi đầu tiên, các cơ quan nhà nước vào cuộc, nhưng rất lộn xộn. Đến đợt dịch thứ hai, chúng tôi đã đứng ra đảm nhận vai trò kiến trúc sư trưởng Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, trực tiếp chỉ đạo phát triển ứng dụng truy vết tiếp xúc gần và các nền tảng, hệ thống khác.

Chỉ sau hai tháng, chúng tôi đã kết nối được hàng triệu người dùng, xây dựng được nền tảng công nghệ chống dịch hiệu quả.

Không cần điều gì quá đặc biệt, chỉ cần điều chỉnh lại quan hệ sản xuất để giải phóng lực lượng sản xuất, mọi thứ khác, từ nhân lực, năng lực, trí tuệ, người Việt đã chuẩn bị sẵn sàng từ rất lâu rồi.

Sự kìm hãm của quan hệ sản xuất đối với khoa học công nghệ

Nếu các doanh nghiệp công nghệ của tư nhân thực sự giỏi, tại sao lại không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp công nghệ của nhà nước, thưa ông?

Nguyễn Tử Quảng: Nguyên nhân chính là do cơ chế hoạt động và sự cạnh tranh không lành mạnh.

Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hiện chỉ có hai doanh nghiệp nhà nước lớn, dù doanh số mỗi năm chỉ vài trăm tỷ đồng, nhưng họ vẫn sống khỏe, vì được "bù chéo" từ lĩnh vực viễn thông sang. Họ vẫn có thể dùng quan hệ khiến các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước sử dụng sản phẩm của họ.

Đáng lẽ ra, các doanh nghiệp nhà nước chỉ nên làm những gì liên quan đến an ninh – quốc phòng, hoặc những lĩnh vực tư nhân không làm được, không muốn làm.

Nhưng với công nghệ thông tin, trên thế giới, từ các nước phát triển đến đang phát triển, 100% lĩnh vực công nghệ đều là do doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm. Mỹ có Apple, Hàn Quốc có Samsung, Trung Quốc có Huawei, Alibaba, không một nước nào để doanh nghiệp nhà nước đi làm công nghệ cả.

Tại sao các doanh nghiệp nhà nước lại không thể tạo ra bước đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, thưa ông?

Nguyễn Tử Quảng: Với cơ chế của các doanh nghiệp nhà nước, tất nhiên sẽ không thể làm tốt được. 

Phải hiểu bản chất của sự việc. Các công ty nhà nước không có động lực, bởi họ làm theo nhiệm kỳ. Hết nhiệm kỳ thì đổi người lãnh đạo, không ai có lý do để sống chết với sản phẩm mình làm ra. Đó là bản chất của con người, là khoa học.

Thứ hai, doanh nghiệp nhà nước bị trói bởi vô số quy định. Họ luôn phải bảo thủ để tuân thủ và để bảo vệ chính mình.

Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân thì khác, luật không cấm là được làm. Chúng tôi làm điện thoại, bỏ gần 2.000 tỷ đồng tiền mặt ra để đầu tư, đó là tiền của tôi, lỗ là chuyện của tôi. Nhưng với doanh nghiệp nhà nước, khi thua lỗ có thể bị truy trách nhiệm.

Vậy thì ai dám làm?

Hai điều đó khiến doanh nghiệp nhà nước không thể sáng tạo. Họ cũng không thể phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ giống như các doanh nghiệp tư nhân.

Việc để cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, hạn chế vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong một số lĩnh vực, liệu có phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?

Nguyễn Tử Quảng: Vấn đề gốc rễ là chúng ta phải định nghĩa rõ ràng khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là điểm mấu chốt.

Trong suốt một thời gian dài, kinh tế thị trường bị coi là tư hữu, là đi lệch khỏi quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, là ngả sang tư bản chủ nghĩa.

Tuy nhiên, thực ra kinh tế thị trường chỉ là một công cụ kinh tế. Nó phục vụ cho tư bản, thì là tư bản. Phục vụ cho xã hội chủ nghĩa thì là xã hội chủ nghĩa.

Cho nên, cứ để kinh tế phát triển hết mức, tự do đúng bản chất. Cứ để thị trường phát triển tự nhiên, như một cánh rừng, cây to, cây nhỏ cùng nhau phát triển. Nhà nước chỉ nên can thiệp khi có cây ngoại lai mọc lên, làm hại hệ sinh thái. Khi đó, Nhà nước sẽ điều tiết lại, bảo vệ những người yếu thế, giống như quan điểm "thịnh vượng chung" của Trung Quốc.

Và quan trọng nhất, phải tách bạch giữa kinh tế thị trường và ý thức hệ. Khi đó, kinh tế thị trường sẽ không còn là vấn đề "nhạy cảm" nữa. Làm được như vậy sẽ không còn chuyện doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh bất bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân. Mọi thứ sẽ phát triển một cách bình đẳng.

Ông có kiến nghị cụ thể gì đối với quan hệ sản xuất giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, để giải phóng sức lao động cho cả xã hội?

Nguyễn Tử Quảng: Doanh nghiệp nhà nước không làm những gì mà kinh tế tư nhân có thể làm mà chỉ nên tập trung vào lĩnh vực an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.

Điều này để tránh làm thị trường bị phá, triệt tiêu động lực lao động của kinh tế tư nhân. Nhà nước cần khuyến khích thị trường tự do một cách tối đa trong mọi lĩnh vực để tạo ra hiệu quả kinh tế bứt phá.

Nhà nước cần quyết liệt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước , đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Việc thoái vốn này cần làm ngay để tạo ra sự bứt phá về khoa học công nghệ giống như Khoán 10 năm xưa đã làm được trong lĩnh vực nông nghiệp

Giống như thời Khoán 10, tôi cho rằng chỉ cần một văn bản, một nghị quyết, để cởi trói. Chỉ cần các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn khỏi lĩnh vực công nghệ thông tin là đã có thể giải phóng lực lượng sản xuất đang bị kìm nén, tạo sức bật cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Các doanh nghiệp đã sẵn sàng chỉ chờ được cởi trói

Còn về phía các doanh nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nói chung và Bkav nói riêng đã có chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Nguyễn Tử Quảng: Các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã mong mỏi, chờ đợi và chuẩn bị mấy chục năm nay rồi. 

Với Bkav, chúng tôi làm điện thoại, phát triển AI, an ninh mạng, IOT... chúng tôi đã chuẩn bị hết, có sẵn hết, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.

Mọi thứ đã sẵn sằng, chỉ chờ được cởi trói mà thôi.

Ngoài ra ông có các kiến nghị gì khác về ưu đãi thuế, nguồn nhân lực hay điều gì khác?

Nguyễn Tử Quảng: Không!

Tôi không quá quan tâm điều đó! Trước đây, chúng ta thấy Khoán 10 có làm điều đó không? Rõ ràng là Chính phủ không cho thêm tiền hay ưu đãi gì khác, mà chỉ mở cửa cho người dân làm.

Nhà nước hầu như không phải làm gì khác, thế nhưng, chỉ sau một đêm mọi thứ đều phát triển vượt bậc.

Mới đây, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết này đã đáp ứng kỳ vọng của ông và các doanh nghiệp công nghệ thông tin chưa?

Nguyễn Tử Quảng: Tôi đánh giá Nghị quyết 57 thực sự tuyệt vời. 

Nghị quyết đã thể hiện được mạnh mẽ quan điểm của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị trong việc tạo điều kiện cho khoa học công nghệ. Đó là bước ngoặt quan trọng về nhận thức, một cú huých chính trị cần thiết. 

Tuy nhiên, tôi vẫn kỳ vọng khoa học công nghệ có những bước đột phá như những gì Khoán 10 đã làm được cho nông nghiệp Việt Nam năm 1988.

Trước khi có Khoán 10, chúng ta đã từng có Khoán 100 của Ban Bí thư ban hành từ năm 1981, cho phép khoán sản phẩm đến hộ cá thể. Khi ấy, người dân bắt đầu được "trao tay" mảnh ruộng để chăm bón, năng suất sau đó có tăng trưởng.

Nhưng chỉ một vài năm sau đó, lại chững lại. Vì quan hệ sản xuất chưa thay đổi đủ sâu. Người nông dân chưa có quyền sở hữu hoặc sử dụng lâu dài. Do đó, họ chưa có động lực thực sự.

Phải đến năm 1988, khi Khoán 10 ra đời, điều chỉnh rõ ràng về quan hệ sở hữu, trao quyền sử dụng đất cho nông dân, điều chỉnh cả phân phối nguồn lực và thị trường, thì mới thực sự có bước ngoặt cho phát triển.

Ngày nay, khoa học công nghệ cũng đang lặp lại lịch sử ấy. Lực lượng sản xuất đã sẵn sàng. Hạ tầng, nhân lực tinh hoa đã có, doanh nghiệp tư nhân đang hừng hực khí thế – nhưng lại bị nén lại như thời kỳ trước Khoán 10.

Nếu chúng ta thay đổi được quan hệ sản xuất trong lĩnh vực khoa học công nghệ, như Khoán 10 đã làm với nông nghiệp, tôi tin rằng, Việt Nam chắc chắn sẽ bước vào một giai đoạn tăng trưởng hai con số.

Không phải mơ mộng, đây là một kịch bản hoàn toàn khả thi!

Xin cảm ơn ông!

Theo The Leader.vn