Những lưu ý cho người mới chụp ảnh bằng điện thoại từ chuyên gia Nguyễn Hoàng Anh
09:58:00 | 29-09-2021

Tối 18/9, cộng đồng Bphone Fans Club đã có buổi giao lưu trực tuyến với nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoàng Anh (AnhHang). Tại đây, chuyên gia Nguyễn Hoàng Anh đã chia sẻ lý thuyết về chụp ảnh, các kỹ năng cơ bản khi chụp ảnh bằng điện thoại, đồng thời trả lời rất nhiều câu hỏi giao lưu từ Bfans.

Chuyên gia nhiếp ảnh Nguyễn Hoàng Anh là người vững kiến thức, có tâm và tinh thần chia sẻ. Anh từng nhiều năm chơi ảnh trong nhóm photo.vn - một trong những diễn đàn đầu tiên về nhiếp ảnh tại Việt Nam. Anh đã có 5 năm chụp ảnh đường phố tại Paris và là cựu Giảng viên khoa Kiến trúc trường Đại học Kinh doanh Công nghệ.

"Cây khế nở hoa" - Một bức ảnh được nhiếp ảnh gia AnhHang chụp bằng Bphone B86

Mở đầu buổi giao lưu anh Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ một số lưu ý khi chụp ảnh bằng điện thoại

Giữ sạch ống kính điện thoại: Khi điện thoại bị bẩn, ánh sáng và hình ảnh từ ngoài môi trường đi vào ống kính và sensor nhận hình ảnh của điện thoại sẽ bị khúc xạ, dẫn dến hình ảnh sẽ bị nhòe, mờ, màu sắc không chuẩn, có hiện tượng halo, lóe sáng… Vì vậy, phải luôn đảm bảo ống kính điện thoại sạch thì chất lượng ảnh mới tốt được

Luôn giữ điện thoại trong tầm tay và có thể lấy ra nhanh nhất: Khi ta gặp một hình ảnh thú vị và muốn chụp, thì luôn phải giữ điện thoại trong tầm tay để bắt được thời khắc tốt nhất đó. Nếu thời gian lấy điện thoại ra chậm, khoảnh khắc thú vị sẽ biến mất và không bao giờ quay lại. Chúng ta cũng nên luyện tập thao tác sao cho có thể mở điện thoại, bật phần chụp nhanh nhất có thể.

Hạn chế zoom khi chụp ảnh bằng điện thoại: Zoom trong điện thoại là phóng to kỹ thuật số, không phải phóng to quang học nên lạm dụng zoom trong điện thoại sẽ làm giảm chất lượng ảnh chụp. Thêm vào đó, zoom khi chụp hình sẽ làm ta không quan sát hết được toàn cảnh để lựa chọn khung hình cho thích hợp nhất.

Suy nghĩ về ảnh trước khi đưa điện thoại lên chụp: Trước khi chụp cần nghĩ trước bố cục như thế nào, các bạn có thể tham khảo các bài viết trên Bphone Fans Club. Thứ hai nhận biết thời điểm, bức ảnh sẽ đẹp nhất ở một thời điểm, khoảnh khắc như ý nhất. Thứ ba là lựa chọn chế độ chụp, chúng ta có rất nhiều chế độ, Bphone có tính năng rất nổi trội là sMacro và sNight, đây là 2 tính năng rất lợi hại.

Tiếp theo, nhiếp ảnh gia AnhHang cũng đặc biệt lưu ý đến ánh sáng khi chụp để có thể ra một bức ảnh trong, có màu sắc đẹp

Chú ý đến ánh sáng khi chụp: Khi bức ảnh no sáng rồi, tức là đủ ánh sáng thì nó sẽ lên rực rỡ nhất, hình ảnh chi tiết và tấm ảnh có độ sâu nhất. Khi ánh sáng thiếu, màu sắc sẽ nhạt nhòa. Vì thế khi chụp, phải quan sát và tìm ra được vị trí đứng và thời điểm sao cho ở đó ánh sáng chan hòa và đẹp nhất. Thứ 2, là tất cả các điện thoại hiện nay đều có nút đo sáng, nên khi lấy nét vào đâu ta đo sáng ở đó thì toàn bộ bức ảnh sẽ đủ ánh sáng như ý của chúng ta. Kế tiếp, ánh sáng đổ thường sẽ gây ấn tượng và thu hút thị giác người xem, do đó khi chụp ảnh cũng nên chú ý điểm này. Đặc biệt, khi đi chụp ảnh chúng ta nên hòa mình vào khung cảnh khi chụp, để các chủ thể mình chụp được tự nhiên và bức ảnh chân thành, tình cảm hơn.

Một vài khái niệm thú vị trong nhiếp ảnh

Pattern: là một tổng hợp nhiều hình mẫu kết hợp với nhau theo một quy luật nào đó, để tạo nên một mảng, một phông nền, một mặt phẳng hoặc cong mang tính trang trí và gây ấn tượng với thị giác. Pattern được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như kiến trúc, đồ họa, nhiếp ảnh…

Pattern trong nhiếp ảnh là khi người chụp chớp được một tổ hợp những sự lặp lại về đường nét, hình dáng, màu sắc, thậm chí các mảng tối sáng. Những yếu tố có thể tổ hợp lại một cách có nguyên tắc hay bất nguyên tắc, đan xen nhiều chủ thể v.v…

Ảnh Pattern được chụp với hiệu quả làm tăng kịch tính cho bức ảnh, hoặc làm bức ảnh có sự lặp lại về màu sắc, hình dáng, vật thể, v.v… nhằm “chiều” con mắt người xem, nâng tầm một bức ảnh từ “bình thường” lên “đẹp”

Ảnh chụp Pattern nhiều khi chỉ là những hình ảnh bình thường nhưng đi qua con mắt người chụp ảnh trở nên kịch tính đẹp và rất “dễ xem”.

Pattern trong nhiếp ảnh có thể là những yếu tố, vật thể có sẵn trong tự nhiên, có thể là những công trình nhân tạo. Pattern có thể ở một nơi nào hoặc mọi chỗ xung quanh chúng ta. Việc của người chụp là phát hiển ra nó.

Chụp ảnh Pattern không yêu cầu thiết bị phải “xịn”, chỉ cần con mắt người chụp được luyện tập thường xuyên để có thể phát hiện góc nhìn mà ít người ngắm được, những bố cục có thể tạo ra Pattern.

Kỹ thuật bố cục Frame in Frame

Frame in Frame – Khuôn hình trong khuôn hình: là khi người chụp ảnh sử dụng một vật thể nào đó trong ảnh (trước, sau thậm chí ngang hàng chủ thể) để đóng khung chủ thể. Trong đó, vật thể tạo ra một khung nhỏ hơn trong ảnh. Ta hay gọi đó là Frame in Frame hay Frame within Frame. Cách bố cục này giúp phát triển ảnh chụp theo nhiều hướng.

Đầu tiên nó giúp người xem tập trung vào chủ thể của ảnh, loại bỏ một số yếu tố gây xao nhãng, các vật thể lộn xộn hay còn gọi là “rác” trong ảnh.

Thứ hai, nó giúp phân lớp các vật thể, tạo độ sâu cho ảnh. Ngoài ra, nó còn tạo nên sự bí ẩn và hấp dẫn ánh nhìn tìm tòi sâu hơn, lâu hơn của người xem.

Bố cục là một trong những khía cạnh quan trọng của nhiếp ảnh. Căn chỉnh bố cục đúng cách có thể biến một khung cảnh bình thường thành một bức ảnh tuyệt vời. Khi chụp ngoài khuôn hình cũng cần những yếu tố khác quan trọng hơn như: khoảnh khắc, ánh sáng, hình khối, màu sắc v.v... Tuy nhiên Frame in Frame là một trong những cách bố cục ảnh căn bản nhất cần chú ý khi chụp một tấm hình.

Các cách bố cục sử dụng Frame in Frame:

  • Chọn chủ thể chụp sau đó tìm một vật thể có thể tạo khuôn hình phía trước chủ thể, sau đó tìm cách lồng chúng vào với nhau, để giữ chủ thể trong khuôn hình.
  • Vật thể tạo khuôn hình nằm sau chủ thể: hai bố cục này tương đối thông dụng trong các ảnh chụp “teen xóa phông” nằm mục đích nhấn mạnh vào chủ thể, loại bỏ các “rác” trong ảnh.
  • Vật thể tạo khuôn hình nằm cùng mặt phẳng nét với chủ thể: cách bố cục này vừa được dùng để nhấn mạnh vật thể, hoặc có thể dùng để tạo sự tương phản hoặc tạo vần luật và nhịp điệu.

Sau khi nói về các lý thuyết trong nhiếp ảnh, chuyên gia Nguyễn Hoàng Anh trực tiếp trả lời các câu hỏi từ Bfans

Anh cho hỏi làm sao để có tư duy chụp ảnh đẹp?

Theo mình nghĩ thì việc gì cũng cần phải luyện tập và tiến bộ từ từ và dần dần, chứ không phải tự nhiên mình có tư duy để chụp đẹp luôn được. Những người này cũng có nhưng họ là vĩ nhân rồi, nên là cũng hiếm. Những người muốn chụp ảnh đẹp lúc đầu nên chụp nhiều, sau đó về ngắm lại và đọc các tài liệu liệu, đồng thời xem nhiều ảnh đẹp. Từ đó, hình thành khái niệm và tư duy về cái đẹp.  

Chụp đường phố như thế nào để bức ảnh đẹp?

Thứ nhất nên có tình cảm, cái tốt nhất là mình yêu cái góc phố nhà mình, thành phố của mình. Sống ở đó lâu năm rồi mình hòa cùng mọi người, đi lại nhiều, thân thuộc với cảnh vật. Nhiều khi cảnh không có gì đặc biệt đâu, nhưng ảnh lên rất tình cảm. Theo mình chỉ cần thế thôi.

Người mới chụp ảnh nên chụp chế độ nào tốt nhất?

Thực ra chế độ Auto của Bphone rất đẹp, chụp rất nét luôn, còn lúc nào chụp khó quá như sNight chụp ban đêm thì phải chuyển thôi, chứ chế độ Auto của Bphone chụp nét lắm rồi.

Vì sao cùng một loại máy, cùng một góc chụp nhưng người chụp được ảnh nét, người lại mờ?

Mình nghĩ đó là do khả năng người lấy được nét và người không lấy được nét thì nó mờ thôi, hoặc có thể do camera bẩn, tay run…

Nhiếp ảnh có cần đam mê, và cộng đồng riêng không?

Đam mê thì chắc chắn rồi, còn cộng đồng mình nghĩ bây giờ Internet phát triển, những tài liệu tham khảo đầy trên mạng. Mình hoàn toàn có thể tự tìm hiểu được.

Nhiếp ảnh ở các nước phương Tây có gì khác ở nước ta không?

Có khác đấy, ở các nước phương Tây chụp ít rác, ít chi tiết thừa, quang cảnh gọn gàng, tư duy người nước ngoài cũng khác. Tư duy ảnh ở Việt Nam hiện nay vẫn duy trì kiểu ví dụ như: hình ảnh những cụ già nhăn nheo, những cô mặc áo dài đi trên đồi cát… Ở phương Tây tư duy xác đáng và không quá chú ý vào chi tiết như mình.

Cách khắc phục ảnh thiếu sáng như thế nào?

Tốt nhất khi chụp mình nên ra được cái phôi đủ sáng, chứ phải để xử lý, rất khó ra được bức ảnh đẹp lắm.

Thể loại ảnh nào mà anh thích nhất?

Thể loại ảnh thích nhất cũng là thể loại ảnh làm khó mình nhất ảnh đời thường. Mình rất đam mê chụp ảnh đời thường nhưng lại không thể theo con đường đấy.

Anh chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh bằng Bphone đi ạ?

Ở phần đầu mình đã chia sẻ rồi đó, đầu tiên phải rút máy ảnh nhanh nhất, hai là lau ống kính sạch nhất.

Chụp ảnh đời thường, cuộc sống quanh ta thì điểm nhấn ở chỗ nào?

Như mình trình bày ở trên, có cái gọi là khoảnh khắc quyết định, khi chụp ảnh đời thường có những cái đơn giản thôi nhưng chớp được khoảnh khắc ấy sẽ rất đẹp. Chú ý nhất là khoảnh khắc quyết định.

Anh có bao giờ chụp sMacro trên Bphone chưa?

Mình từng đăng bức ảnh “Nếu cuộc đời toàn chuyện xấu xa thì vì sao cây khế nở hoa”, cái đấy là chụp bằng sMacro trên Bphone đấy. Tính năng chụp sMacro trên Bphone đẹp mà, chụp nét lắm.

Chụp ảnh đời thường có cần cảm xúc không ạ?

Tất nhiên là cần rồi, cảm xúc đời thường quan trọng lắm và nhiều khi có khoảnh khắc nhanh không bắt kịp thì mình nên hình dung trước để lường trước được khoảnh khắc. Mình cũng lỡ nhiều khoảnh khắc lắm vì thế nhiều khi ước khoa học công nghệ phát triển để có thiết bị như cái kính đeo vào mình chỉ cần chớp mắt là có thể ghi lại cái khoảnh khắc đó.

Nếu mà ánh sáng dư, mình kéo sánh sáng xuống thì có ảnh hưởng tới chất lượng ảnh không?

Tất nhiên là có, ảnh hưởng chứ nhưng mà khi đạt được khoảnh khắc đẹp thì khi ánh sáng có thiếu một chút thì vẫn tốt, nhiều khi khoảnh khắc trôi nhanh mà mình ngồi chỉnh sáng thì nó trôi qua mất rồi.

 Anh có thể nói sâu hơn về chụp ảnh bằng điện thoại không ạ? Bphone chụp ảnh có gì khác các máy khác?

Trong Bphone Fans Club có rất nhiều bài viết về chụp ảnh bằng điện thoại. Trước đây mình dùng iPhone 7 Plus. Đến khi dùng Bphone được 3 tháng thì mình mạnh dạn bán cái iPhone kia đi và dùng Bphone 86.

Khi chụp ánh đèn làm sao để không bị chói?

Cái đầu tiên có thể là ống kính bẩn, hoặc là ánh sáng phức tạp quá và điện thoại thì không phải là máy chụp ảnh chuyên nghiệp. Mình biết đội ngũ phát triển Bphone đang làm việc rất căng để xử lý vấn đề này sao cho chế độ chụp sNight có thể xử lý được những tình huống ánh sáng phức tạp.

Anh mong muốn gì ở Bphone thế hệ tiếp theo?

Thực ra Bphone đang làm tương đối tốt về chất lượng ảnh, mình mong muốn máy làm tốt hơn. Hiện nay, so với mức giá thì Bphone đang làm rất tốt rồi. Còn 1 cái điện thoại đời tiếp theo nó nâng cấp như thế nào không phải chỉ phụ thuộc vào công dụng chụp ảnh mà còn nhiều tính năng khác như chơi game, nghe nhạc, gọi điện… và cả chọn phân khúc khách hàng nào nữa, nên mình không đề xuất gì mà tự đội ngũ Bphone sẽ phân tích và phát triển và quyết định.

Bkav