Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Khách hàng Bkav – Lê Tiến Thịnh giao lưu cùng Bfans (Phần 1)
04:39:00 | 31-08-2021

CEO Nguyễn Tử Quảng từng chia sẻ: “Chúng tôi coi Bphone Fans là cộng đồng tinh hoa… Fans của Bphone thật sự là những người chung chí hướng với Bkav, muốn thúc đẩy Việt Nam trở nên hùng cường nhờ công nghệ”. Vì lẽ đó, Bkav muốn đến gần hơn, tiếp xúc và chia sẻ nhiều hơn với các Bfans.

Từ tháng 3/2021, Tập đoàn tổ chức các chương trình giao lưu giữa các lãnh đạo cấp cao của Bkav, với cộng đồng Bfans. Tại đây, mọi góp ý, thắc mắc từ các Bfans dành Bkav, xoay quanh chủ đề của buổi giao lưu đều được ghi nhận và giải đáp.

Chương trình giao lưu giữa GĐ Lê Tiến Thịnh và cộng đồng Bfans:

Chủ đề của buổi giao lưu là Nền tảng Quản lý xét nghiệm của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia. Trước khi bắt đầu, anh Thịnh chia sẻ: Nền tảng này hỗ trợ lấy mẫu và sau đó trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử được triển khai; giúp tối ưu quá trình nhập liệu khi lấy mẫu xét nghiệm, giảm thao tác thủ công dễ sai sót, liên thông dữ liệu để trả kết quả xét nghiệm nhanh chóng đến người dân; đặc biệt, gia tăng rất lớn về độ chính xác của các thông tin, dữ liệu xét nghiệm.

Anh có thể nói rõ hơn cơ chế hoạt động của nền tảng này, có gì nổi trội hơn so với cách làm truyền thống không?

Theo cách truyền thống, trước khi được lấy mẫu xét nghiệm, người dân sẽ điền thông tin vào một mẫu in sẵn để nhân viên y tế nhập từ bản giấy đó vào file Excel. Trong điều kiện dùng đồ bảo hộ và găng tay, việc nhập dữ liệu rất khó khăn và chậm.

Chưa kể khi nhập số liệu nhập vào file Excel cũng rất khó thống kê vì không liên kết được với các hệ thống khác, mỗi nơi có thể nhập liệu khác nhau. Trong khi đó, thông tin người dân điền trên giấy có thể thiếu và không chính xác, quá trình nhập liệu vào máy tính dễ xảy ra sai sót.

Tương tự, đối với việc trả kết quả xét nghiệm, theo phương pháp cũ, người dân phải đến cơ sở y tế lấy bản giấy. Với việc xét nghiệm diện rộng sẽ dẫn tới tình trạng tập trung đông người tại cơ sở y tế. Nhiều nơi kết quả có thể bị trả chậm vài ngày nên không kịp thời phục vụ công tác chống dịch.

Khi triển khai trên nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến thì các vấn đề trên đều được giải quyết.

Người dân sử dụng SIM rác để đăng ký thông tin trên Bluezone, sau khi có thông báo dương tính thì thay SIM khác; khi đó, cơ quan quản lý làm sao biết được người bệnh ở đâu?

Trong trường hợp người dân dương tính, ngoài số điện thoại còn rất nhiều trường thông tin khác có thể khai thác phục vụ công tác truy vết, cách ly như họ tên, địa chỉ, CMT/CCCD.

Khi không có Wifi hay không sử dụng 4G, người dân làm thế nào để quét mã QR trên Bluezone để khai báo y tế?

Khi tới lấy mẫu, người dân chỉ cần xuất trình mã QR Code trên phần mềm Bluezone cả khi điện thoại không kết nối Internet. Cán bộ y tế sẽ sử dụng súng quét mã vạch hoặc ứng dụng ‘Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19’ trên điện thoại để quét mã QR của người dân. Do đó, chỉ cần thiết bị của cán bộ lấy mẫu có kết nối Internet là xử lý được.

Tại sao Hà Nội không áp dụng công nghệ để hỗ trợ ngành y tế, đặc biệt là những lần lấy mẫu số lượng lớn ở thời điểm này?

Hiện tại, Bkav đang phối hợp cùng Sở TT&TT Hà nội tham mưu các cấp lãnh đạo để đưa nền tảng vào áp dụng, dự kiến sẽ áp dụng tại Hà Nội trong thời gian tới.

Tài khoản quản lý của nền tảng xét nghiệm hiện tại không thể đăng ký tự do cho cá nhân được. Sau này, người dân có thể đăng ký sử dụng được không?

Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến được xây dựng cho đội ngũ cán bộ y tế phục vụ cho việc lấy mẫu xét nghiệm. Do liên quan tới quy trình, nghiệp vụ của bên y tế nên nền tảng này không áp dụng cho người dân.

Dữ liệu của những người khai báo bằng giấy có được cập nhật và đồng bộ thông tin với Bluezone không?

Với những trường hợp không sử dụng smartphone thì có thể nhờ người thân khai báo hộ trên Bluezone và sử dụng mã QR code sau khi khai báo hộ để thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, khi người dân đến lấy mẫu xét nghiệm sẽ được phát một tờ hướng dẫn. Người dân không có smartphone có thể điền thông tin khai báo y tế trên tờ hướng dẫn và nền tảng sẽ vẫn hỗ trợ những trường hợp này.

Dữ liệu mà bên y tế nhập liệu trước đó có được đồng bộ và chuyển sang hình thức dữ liệu điện tử hay không?

Đối với những dữ liệu bên y tế đã thực hiện nhập liệu trước đó thì vẫn thực hiện theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để có thể đồng bộ được dữ liệu cũ mà bên y tế đã nhập từ trước đó.

Mình có thể sử dụng điện thoại được cấp phép hay ứng dụng có quyền thu thập và truy xuất dữ liệu để thu thập và thực hiện quét mã QR, sau đó truyền về máy tính hoặc là một file để xử lý được không?

Hiện, nền tảng này có cả ứng dụng trên thiết bị di động cho cán bộ lấy mẫu. Cán bộ lấy mẫu sẽ tải ứng dụng ‘Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19’, đăng nhập bằng tài khoản được cấp và thực hiện thao tác quét mã QR code cá nhân của người dân. Dữ liệu sẽ được gửi tự động về hệ thống để quản lý.

Hiện nay đã có những tỉnh thành nào triển khai nền tảng này?

Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến đang được triển khai tại các địa phương như Tây Ninh, Bình Dương, Bắc Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng tàu, Đồng Tháp… và hơn 30 địa phương khác đang trong quá trình tập huấn để triển khai.

Khi triển khai có thuận lợi hay gặp khó khăn gì không?

Do nền tảng mới nên khi triển khai xuống thì cũng gặp một số khó khăn vì là phương pháp mới nên mọi người cũng gặp đôi chút bỡ ngỡ, dè dặt. Tuy nhiên, điểm thuận lợi là nền tảng này được xây dựng trên quy trình thực tế của việc lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm do đó sẽ không làm thay đổi quy trình cơ bản của các cán bộ y tế. Ngoài ra, giao diện của nền tảng rất trực quan, dễ sử dụng; do đó, chỉ cần sau 1 buổi tập huấn đào tạo là các cán bộ y tế có thể sử dụng thành thạo nền tảng này. Những tỉnh đã áp dụng nền tảng vào triển khai thực tế thì đều có đánh giá rất hiệu quả, giảm được từ 30-50% công sức.

Nền tảng có được triển khai trên toàn quốc không?

Nền tảng nằm trong bộ giải pháp của Trung tâm công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia và sẽ triển khai xuống toàn bộ 63 tỉnh thành.

Nền tảng có tích hợp với Bluezone không?

Có. Cơ chế hoạt động của nền tảng này như sau:

- Người dẫn sẽ cài đặt và khai báo y tế trên ứng dụng Bluezone.

- Khi đến lấy mẫu, người dân sẽ xuất trình QR cá nhân trên ứng dụng Bluezone cho nhân viên y tế.

- Tiếp theo nhân viên y tế sẽ quét mã QR code cá nhân của người dùng trên ứng dụng Bluezone, nền tảng sẽ nhanh chóng lưu lại toàn bộ thông tin cần thiết của người đến lấy mẫu sau 1 giây, hạn chế tiếp xúc tối đa giữa người đi lấy mẫu xét nghiệm và cán bộ y tế.

- Sau khi có kết quả xét nghiệm, nền tảng sẽ trả kết quả xét nghiệm cho người dân thông qua hình thức điện tử trực tuyến và hiển thị trên ứng dụng Bluezone của người dân.

Ngoài Bluezone, nền tảng này có đồng bộ với các app khai báo y tế khác không?

Nền tảng này hiện chỉ hỗ trợ việc quét mã QR Code trên ứng dụng Bluezone. Hiện Bkav đang tích cực phối hợp với các đơn vị phát triển các ứng dụng khai báo y tế khác để tích hợp và đồng bộ trong thời gian sớm nhất.

Nền tảng này có giảm thiểu khả năng lây nhiễm của COVID-19 không?

Với phương pháp lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm truyền thống, việc lấy mẫu và trả kết quả bị chậm, đồng thời do có sự tiếp xúc giữa nhân viên y tế và người dân qua tờ khai giấy nên dẫn tới nguy cơ lây nhiễm cao. Việc áp dụng nền tảng này giúp giảm thời gian trong công tác lấy mẫu, tiếp xúc; xét nghiệm và trả kết quả nhanh chóng hơn. Từ đó, giảm thiểu tối đa khả năng lây nhiễm.

Sử dụng smartphone để lấy thông tin ở khu vực lấy mẫu dễ gây lây nhiễm COVID-19, bên anh có biện pháp gì để ngăn chặn điều này?

Các thiết bị smartphone của cán bộ lấy thông tin sẽ được bọc trong túi zip hoặc màng bọc thực phẩm, không gây ảnh hưởng đến quá trình quét mã QR Code hoặc nhập thông tin mà vẫn đảm bảo tránh lây nhiễm. Trong quá trình lấy mẫu, cán bộ lấy mẫu sẽ định kỳ xịt khử khuẩn lên smartphone đã được bọc kín và vệ sinh dễ dàng.

Khi có trường hợp xét nghiệm xong và di chuyển về nhà với lịch trình phức tạp, sau đó mới cho kết quả dương tính thì có ảnh hưởng gì đến việc chống dịch không?

Trong bộ giải của Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, ngoài nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến thì còn có thêm nền tảng Hỗ trợ truy vết. Hai nền tảng này liên thông dữ liệu với nhau. Dữ liệu đầu ra của nền tảng xét nghiệm là các trường hợp dương tính F0 sẽ trở thành dữ liệu đầu vào của nền tảng Hỗ trợ truy vết. Khi xác định một ca F0, nền tảng truy vết sẽ có các chức năng để xác định lịch trình di chuyển của F0 dựa vào việc check thông tin quét mã QR địa điểm, lịch sử tiếp xúc gần trên Bluezone... Từ đó, phục vụ cho việc truy vết nhanh chóng, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vẫn rất cần người dân tuân thủ đúng 5K để đảm bảo công tác phòng chống dịch được hiệu quả.

Bkav, Bphone Fans Club