Admin Camera Tinhte.vn giao lưu cùng Bfans
09:27:00 | 24-09-2021

Tháng 9, nhiếp ảnh gia Đặng Văn Tuấn (Tuanlionsg) đã có buổi giao lưu với các Bfans trên cộng đồng Bphone Fans Club. Tại đây, anh Tuấn chia sẻ nhiều kỹ thuật giúp chụp ảnh đẹp hơn bằng camera Bphone cũng như giải đáp các thắc mắc liên quan đến chụp ảnh từ các thành viên BFC.

Anh Đặng Văn Tuấn hiện là Admin Camera Tinhte.vn, chuyên nghiên cứu và hỗ trợ cho đội ngũ kỹ thuật Camera Bphone. Anh Tuấn từng làm giám khảo nhiều cuộc thi ảnh lớn trên Tinh tế như Kết nối muôn màu (Bhutan)… hay của các hãng như Honda, Sony Alpha, Bphone, Samsung… Là một nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm chuyên sâu, anh thường chia sẻ những mẹo chụp bằng máy ảnh, điện thoại từ đơn giản đến phức tạp. Những bài chia sẻ của anh cuốn hút người nghe nhờ ví dụ minh họa dễ hiểu, gần gũi, hài hước nhưng cũng rất chuyên sâu.

Trước khi bắt đầu chia sẻ các kỹ thuật chụp ảnh bằng camera Bphone, anh Tuấn liệt kê các lý do tại sao chúng ta chụp ảnh:

Tất cả các thiết bị có tính năng ghi hình đều có yếu tố lưu niệm. Máy ảnh không có tư duy mà người chụp mới có tư duy. Cho nên, người đứng sau máy ảnh mới là quan trọng. Máy ảnh có chức năng lưu giữ ký ức. Nhờ công nghệ lưu trữ hình ảnh này mà cuộc sống con người trở nên phong phú hơn, có nhiều ý nghĩa hơn.

Trước tiên, chúng ta cần biết mình chụp cái gì? Chúng ta có thể chụp con người và cuộc sống. Nếu như nói nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật thì cũng như văn chương, hội hoạ, âm nhạc… nó phải thể hiện được cuộc sống của con người, những cái khắc khoải, ưu tư, niềm vui, hạnh phúc… của con người; còn nếu không nó sẽ rất xa vời. Bức ảnh chúng ta chụp sẽ mang chính cảm xúc của chúng ta. Khi gặp những hình ảnh trong cuộc sống đời thường của con người mà chúng ta thấy thú vị, mang lại cảm xúc thì chúng ta chụp để lưu lại. Tiếp nữa là chúng ta chụp vạn vật, thiên nhiên hay những khoảnh khắc ưa thích.

Ở phần tiếp theo, anh Tuấn giao lưu và trả lời các câu hỏi từ Bfans về cách chụp ảnh bằng điện thoại, camera Bphone:

Khi ngắm chuẩn rồi thì mình nhìn màn hình để bấm hay nhìn chủ thể để bấm?

Khác với máy ảnh với kính ngắm nhỏ, điện thoại có màn hình rất lớn. Vì vậy, cách tốt nhất là chúng ta cứ nhìn vào màn hình điện thoại, ngắm thật kỹ, lấy nét thật chuẩn và bấm chụp.

Kinh nghiệm chụp ảnh buổi tối bằng Bphone?

Kinh nghiệm chụp ảnh buổi tối với nguồn sáng từ đèn cao áp đó là chúng ta nên tránh đi. Còn nếu đèn cao áp ở một khoảng cách khá xa, chúng ta nên chuyển qua chế độ chụp ảnh đêm.

sMacro trên Bphone có 2 chế độ, nâng cao và cơ bản. Vậy hai chế độ này khác nhau như thế nào?

Khi bấm chụp ảnh sMacro, Bphone sẽ chụp liên tục rất nhiều tấm hình, sau đó xếp chồng lên nhau. Chế độ chụp ảnh cơ bản trên Bphone so với nâng cao sẽ có ít tấm hình hơn. Do đó, ảnh từ chế độ nâng cao sẽ nét toàn bộ; còn ảnh từ chế độ cơ bản chỉ nét một phần thôi.

Khi chụp khoảnh khắc thì máy chờ trong bao lâu và hết thời gian thì mình bấm lần hai hay sao, ví dụ như chụp sét?

Hết thời gian thì chúng ta bấm lại thôi. Nếu muốn chụp sét nhưng sét chưa xảy ra thì có một sự chuyển động khác. Điện thoại nhận biết chuyển động là chụp, mà không phải sét. Khi đó, chúng ta phải bấm chụp lại để chờ sét.

Theo anh, tâm lý người chụp có ảnh hưởng đến chất lượng bức ảnh không?

Có. Khi vui ảnh sẽ vui và khi buồn thì ảnh cũng sẽ buồn. Cho nên mỗi người sẽ có một khuynh hướng, một tinh thần, một cái riêng… Người thích chụp ảnh tự sự, người thích chụp phong cảnh, đời sống… Chúng ta có Bphone, việc chúng ta chụp ảnh hàng ngày cũng giống như người viết nhật ký.

Tương lai của camera điện thoại sẽ như thế nào?

Mình nghĩ rằng sẽ vẫn phát triển. Phần mềm trong điện thoại sẽ là một khuynh hướng tương lai, phần mềm sẽ mang ý nghĩa quyết định ngày càng nhiều hơn.

Điện thoại đắt tiền hơn sẽ chụp được bức ảnh đẹp hơn?

Điều quan trọng là chúng ta đã khai thác hết các tính năng của chiếc điện thoại mà chúng ta có hay chưa. Thậm chí là chúng ta đã chụp hết những chủ đề, phong cảnh… mà chúng ta chưa từng chụp hay chưa. Đôi khi một chiếc điện thoại giá rẻ thôi nhưng lại khiến người sở hữu rất hài lòng về camera, nhưng cũng có những chiếc điện thoại đắt tiền lại không chụp ảnh đẹp được.

Một bức ảnh ấn tượng gồm những yếu tố nào?

Về cơ bản, trước hết người chụp phải ấn tượng với cái mình chụp. Khi mình không có cảm xúc với cảnh thì có chụp thế nào cũng không cho ra được một bức ảnh có cảm xúc, có ấn tượng. Khi người khác xem bức ảnh đó, người xem cũng sẽ không thấy ấn tượng hay cảm xúc.

Tiếp theo là các yếu tố tác động khác như ánh sáng, góc máy, vị trí đứng… Tất cả tạo nên cảm giác, hỗ trợ cho cảm xúc của chúng ta khi chụp ảnh.

Làm sao để phơi sáng lâu trên Bphone?

Bphone có chế độ chụp chậm, hẹn giờ, giúp giảm tốc độ màn chập.

Chụp cận cảnh nên zoom hay di chuyển máy tốt hơn?

Khi zoom để chụp, chất lượng bức ảnh sẽ bị giảm rất nhiều. Vì vậy, phương án tốt nhất là chúng ta di chuyển tới gần vật thể.

Có yêu cầu hay thủ thuật gì để bức ảnh được nét chủ thể?

Các bạn muốn nét chỗ nào thì các bạn phải chạm tay vào chỗ đó trên màn hình để lấy nét và giữ tay cố định, nhất là khi chụp gần. Nếu giơ điện thoại lên chụp luôn thì nét có thể rơi vào chỗ khác hoặc độ nét được lấy trung bình thôi.

Bí quyết chụp chân dung, chụp ảnh selfie?

Trên camera Bphone có sẵn chế độ chụp chân dung, chúng ta không cần phải làm gì hết. Chế độ này sẽ làm mờ xung quanh để nổi bật chân dung lên, ảnh đẹp hơn. Một số lưu ý đó là khoảng cách tối thiểu 1,5m, canh khung, vị trí chụp đẹp, ánh sáng…

Còn chụp ảnh selfie hẹn các bạn ở một buổi giao lưu khác của BFC.

Nếu bị hạn chế không gian, như trong thời gian giãn cách xã hội, thì chụp gì?

Tủ lạnh. Các đồ vật trong nhà, bạn mang ra để chụp tĩnh vật.

Làm sao để chụp sMacro mắt con rắn mà con rắn đứng yên?

Mình phải tiếp cận dần dần, chụp nhiều tấm.

Theo anh, ảnh Bphone có mang đi tham gia dự thi ảnh quốc tế được không?

Mình thấy rất nhiều cuộc thi ảnh trên thế giới có giải thưởng dành riêng cho ảnh chụp bằng điện thoại. Họ không giới hạn thiết bị, quan trọng là chủ đề. Nếu ảnh của mình đáp ứng tốt thì mình có giải. Bphone có nhiều tính năng hay và chúng ta có thể khai thác. Quan trọng là chúng ta tìm đúng giải thi.

Theo anh, có khái niệm “auto đẹp” khi chụp ảnh không?

“Auto đẹp” là một khái niệm rất mông lung. Các bạn hay nói vui, người cầm máy chụp ảnh “auto đẹp”, chụp ảnh bằng máy đó, điện thoại đó thì “auto đẹp”… Theo mình, muốn chụp ảnh đẹp thì phải luyện tập nhiều, chụp nhiều và mình cũng phải yêu thích những bức ảnh mình chụp ra nữa. Cho nên, theo mình, trong chụp ảnh không có khái niệm “auto đẹp”.

Ở phần cuối của chương trình giao lưu, anh Tuấn hướng dẫn cách chụp ảnh bằng camera Bphone:

Camera Bphone các đời chỉ có một ống kính. Bây giờ, tìm cái điện thoại chỉ có một ống kính là hiếm. Một ống kính thì ta không thể thay đổi tele chụp từ xa, góc rộng được. Bphone đã làm phần mềm để bù đắp lại để xử lý để vẫn chụp được góc rộng bằng một camera xử lý góc hẹp. Một hệ thống phần mềm khác trên Bphone là Stacking Macro (sMacro) giúp độ nét dài ra, rộng ra. Tính năng chụp khoảnh khắc cũng thấy các bạn chụp nhiều, hình đẹp.

Cách xử lý ánh sáng trên Bphone cũng vậy, qua nhiều đời, Bkav cải tiến nhiều thứ về ánh sáng HDR, chụp gần, chụp xa sắc nét nhiều thứ. Do vậy, điều quan trọng dù bạn dùng Bphone nào là bạn đã chụp được bao nhiêu hình rồi và bao nhiêu hình bạn ưng ý. Nhà sản xuất cải tiến càng ngày càng tốt hơn nhưng người dùng lại không khai thác hết, thậm chí nhận xét điện thoại không chụp được ảnh đẹp. Vì vậy, chúng ta phải khai thác cái điện thoại mà chúng ta đang cầm trên tay.

Bkav tăng cường nhiều tính năng phần mềm, nhất là trên Bphone 86 như phần mềm để chụp nhanh, chụp khoảnh khắc, chụp sMacro… mà nhiều khi chúng ta cầm máy ảnh chụp còn khó, nhất là chuyển động nhanh. Bphone chụp được như vậy là hay lắm.

Những ngày dịch như thế này các bạn có thể ở nhà quan sát, có cảm xúc suy nghĩ của riêng mình, dùng hết những gì mình có để cảm nhận mọi thứ, đồ vật, con người xung quanh và Bphone có thể hỗ trợ chụp tốt.

Một số lưu ý khi chụp ảnh bằng điện thoại ở nhà:

Các bạn nên chia ra thành các đối tượng tĩnh, động; chụp như thế nào với từng đối tượng và cứ tập chụp như thế.

Đối tượng tĩnh: Từ từ quan sát hình thù, ánh sáng, bóng đổ ra sao, thậm chí lấy thêm đèn bàn chiếu thêm cho sống động, nhìn rõ chi tiết từng bộ phận. Dùng đèn xoay xung quanh, thích cái nào chụp cái đó, bật tính năng lên, rồi cứ từ từ chụp thôi.

Đối tượng động: Đối tượng có sự xê dịch, di chuyển, không chụp kịp là dễ mất. Chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng. Có những khoảnh khắc không lặp lại, ánh sáng, bối cảnh không lặp lại thì mình phải canh. Phải chụp nhiều. Ban đầu có thể không ưng ý nhưng dần dần chúng ta có độ nhạy. Chúng ta biết muốn chụp gì để chuẩn bị tính năng. Có vậy, chúng ta mới có được sự sống động, có được cái hồn trong bức ảnh. Sắp xếp vẫn cho ảnh đẹp nhưng sẽ thiếu sự sống trong bức ảnh.

Ánh sáng: Ánh sáng rất quan trọng, nguồn sáng, hướng chiếu, ánh sáng ngược, xiên tương phản... Ở nhà, các bạn đặt một ly nước hay búp bê trên bàn; sau đó, lấy đèn học chiếu xung quanh để tập chụp. Mỗi hướng sẽ cho ra một bức ảnh khác nhau. Ánh sáng tạo ra hình, tạo ra cảm xúc và tạo ra cả bố cục nữa. Ánh sáng tạo ra đường chéo, độ phủ, xếp lớp xếp lang, nhìn vào rất hay. Ánh sáng tạo ra cảm xúc, cũng như các hiệu ứng. Khi chụp, các bạn quan sát xem ánh sáng đang chiếu từ nguồn nào. Các bạn phải nhìn vào ánh sáng, học về ánh sáng.

Bố cục – Góc máy: Chúng ta sắp xếp chủ thể trong khung hình và xác định thứ tự ưu tiên 1, ưu tiên 2, ưu tiên 3… Khi người ta nhìn vào bức ảnh người ta ấn tượng với cái gì nhất.

Khai thác tính năng: Trên Bphone có rất nhiều tính năng chụp bằng phần mềm, phối hợp với phần cứng nên Bphone có thể chụp được rất nhiều chế độ. Đặc biệt, các tính năng sMacro, tính năng xử lý ánh sáng của HDR đã được Bkav cải tiến rất nhiều. Ngoài ra, với tính năng chụp khoảnh khắc, chụp những chuyển động rất nhanh, chúng ta có thể set-up để chụp ra câu chuyện mình muốn.

Thực hành: Trong tủ lạnh có nhiều thứ. Chúng ta lấy đồ trong tủ lạnh ra chụp để học về ánh sáng, góc chụp, tương tác… Ban đầu, các bạn cứ chụp tĩnh, sau đó chụp chuyển động. Ánh sáng gồm các loại thuần sáng, xiên, ngược. Mình đặt đồ vật lên bàn, lấy đèn chiếu vào. Việc tập chụp giúp chúng ta nâng cao khả năng nhạy với ánh sáng. Sau đó ra ngoài, các bạn có thể tìm thấy những ánh sáng đẹp.

Các bạn có thể xem toàn bộ chương trình livestream của anh Tuấn tại đây.

Bkav, Bphone Fans Club