Bỏ quy định hủy hóa đơn điện tử khi phát hiện sai sót từ 01/06/2025
11:03:30 | 23/05/2025

Nghị định 70/2025/NĐ-CP ban hành ngày 20/03/2025 đã đưa ra những thay đổi đáng kể trong quy định về xử lý hóa đơn điện tử sai sót. Trong đó, sự thay đổi đáng chú ý nhất chính là việc bãi bỏ quy định "hủy hóa đơn" khi có sai sót. Theo dõi bài viết sau để có cái nhìn toàn diện và hướng dẫn xử lý hóa đơn sai sót một cách kịp thời, chính xác và đúng quy địnhpháp luật.

1.   Quy định về xử lý hóa đơn sai sót theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP. 3

2.   Nghị định 70/2025/NĐ-CP bỏ quy định hủy hóa đơn điện tử khi có sai sót từ ngày 01/6/2025. 3

3.   Cách xử lý hóa đơn có sai sót theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP. 10

4.   Phần mềm Hóa đơn điện tử Bkav eHoadon sẵn sàng đáp ứng Nghị định 70/2025/NĐ-CP  11

1. Quy định về xử lý hóa đơn sai sót theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP

Trước khi Nghị định 70/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/06/2025, việc xử lý hóa đơn sai sót được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc xử lý hóa đơn điện tử có sai sót được quy định tùy thuộc vào trạng thái của hóa đơn (đã gửi người mua hay chưa, có mã của cơ quan thuế hay không) và loại sai sót. Một trong những phương án xử lý được áp dụng trong một số trường hợp nhất định là "hủy hóa đơn".

Cụ thể, Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định về khái niệm "hủy hóa đơn, chứng từ" tại Khoản 10 Điều 3. Theo đó, hủy hóa đơn, chứng từ là làm cho hóa đơn, chứng từ đó không có giá trị sử dụng. Đối với hóa đơn điện tử, việc hủy được hiểu là làm cho hóa đơn không còn tồn tại trên hệ thống thông tin, không thể truy cập và tham chiếu đến thông tin chứa trong hóa đơn.

Đáng chú ý, theo quy định cũ, trong trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế nhưng chưa gửi cho người mua có sai sót, người bán được phép hủy hóa đơn đã lập sai đó và lập hóa đơn mới. Quy định này cho phép "xóa bỏ" hóa đơn sai sót khỏi hệ thống trong một số tình huống nhất định. Bên cạnh phương án hủy, Nghị định 123/2020/NĐ-CP cũng đã có các quy định về việc lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế cho các trường hợp sai sót khác, đặc biệt là khi hóa đơn đã gửi cho người mua.

>> Xem chi tiết: Hướng dẫn xử lý hóa đơn sai sót theo Thông tư 78 và Nghị định 123

2. Nghị định 70/2025/NĐ-CP bỏ quy định hủy hóa đơn điện tử khi có sai sót từ ngày 01/06/2025

Nghị định số 70/2025/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ được Chính phủ ban hành ngày 20/03/2025, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2025. Nghị định sửa đổi, bổ sung 40/61 Điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Các điểm sửa đổi và bổ sung tập trung vào việc mở rộng phạm vi áp dụng, giới thiệu các loại hóa đơn mới, điều chỉnh thời điểm lập hóa đơn, thay đổi yêu cầu về nội dung hóa đơn, quy định lại quy trình xử lý sai sót và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là các nhà cung cấp.

>> Xem ngay: Các điểm mới của Nghị định 70/2025/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ

Tại Khoản 13, Điều 1, Nghị định 70/2025/NĐ-CP đã sửa đổi bổ sung Điều 19, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, theo đó bỏ quy định hủy hóa đơn điện tử đã lập sai. Với việc bãi bỏ quy định hủy hóa đơn, từ ngày 01/06/2025, doanh nghiệp chỉ còn hai phương pháp chính để xử lý hóa đơn điện tử có sai sót là: Lập hóa đơn điều chỉnh hoặc lập hóa đơn thay thế. Quy trình xử lý cụ thể sẽ tùy thuộc vào loại sai sót và đối tượng người mua, cụ thể:

Nội dung

Nghị định 123/2020/NĐ-CP

Nghị định 70/2025/NĐ-CP (Từ 01/6/2025)

Khái niệm Hủy hóa đơn

Có quy định (Khoản 10 Điều 3)

Bãi bỏ (Khoản 4 Điều 2 bãi bỏ Khoản 10 Điều 3 ND 123)

Xử lý hóa đơn sai sót đã cấp mã CQT nhưng chưa gửi người mua

Được phép hủy hóa đơn sai sót và lập hóa đơn mới.

Không được hủy. Chỉ được lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế theo quy định.

Xử lý hóa đơn sai sót đã gửi người mua

Lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế.

Lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế.

Yêu cầu về thỏa thuận/thông báo với người mua là tổ chức/doanh nghiệp

Tùy trường hợp, có thể yêu cầu thỏa thuận.

Bắt buộc có văn bản thỏa thuận giữa người bán và người mua, ghi rõ nội dung sai sót và nội dung điều chỉnh/thay thế.

Yêu cầu về thông báo với người mua là cá nhân không kinh doanh

Không quy định cụ thể.

Bắt buộc thông báo cho người mua (trực tiếp hoặc trên website người bán) về việc hóa đơn sai sót và đã lập hóa đơn điều chỉnh/thay thế.

  • Trường hợp có sai về tên, địa chỉ của người mua: Trường hợp có sai về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn đã lập sai và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử đã lập sai theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT.

Mẫu số 04/SS-HĐĐT – Thông báo hóa đơn điện tử đã lập sai

  • Trường hợp sai sót về mã số thuế, số tiền, thuế suất, hoặc hàng hóa: Trường hợp có sai mã số thuế; sai về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn điện tử như sau:
    • Trường hợp người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập sai. Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập sai phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
    • Trường hợp người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử lập sai. Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập sai phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
    • Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập sai sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).
    • Trường hợp trong tháng người bán đã lập sai cùng thông tin về người mua, tên hàng, đơn giá, thuế suất trên nhiều hóa đơn của cùng một người mua trong cùng tháng thì người bán được lập một hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế cho nhiều hóa đơn điện tử đã lập sai trong cùng tháng và đính kèm bảng kê các hóa đơn điện tử đã lập sai theo Mẫu số 01/BK-ĐCTT.

Mẫu số 01/BK-ĐCTT – Bảng kê các hóa đơn điện tử đã lập sai

    • Trước khi điều chỉnh, thay thế hóa đơn điện tử đã lập sai theo quy định tại điểm b khoản này, đối với trường hợp người mua là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ nội dung sai; trường hợp người mua là cá nhân thì người bán phải thông báo cho người mua hoặc thông báo trên website của người bán (nếu có). Người bán thực hiện lưu giữ văn bản thỏa thuận tại đơn vị và xuất trình khi có yêu cầu.
    • Lưu ý: Đối với ngành hàng không thì hóa đơn đổi, hoàn chứng từ vận chuyển hàng không được coi là hóa đơn điều chỉnh mà không cần có thông tin “Điều chỉnh tăng/giảm cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... ngày... tháng... năm”. Doanh nghiệp vận chuyển hàng không được phép xuất hóa đơn của mình cho các trường hợp hoàn, đổi chứng từ vận chuyển do đại lý xuất.

>> Xem ngay: Những thay đổi quan trọng về xử lý hóa đơn có sai sót theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP

3. Cách xử lý hóa đơn có sai sót theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP

Trường hợp

Hướng dẫn xử lý hóa đơn sai sót

Kê khai thuế

Trường hợp có sai về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai

  • Bước 1: Người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn đã lập sai và không phải lập lại hóa đơn.
  • Bước 2: Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về HĐĐT đã lập sai theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT.

Người bán thực hiện kê khai thuế theo quy định, các thông tin về tên địa chỉ của người mua được kê khai theo thông tin đã được điều chỉnh đúng.

Trường hợp hóa đơn sai mã số thuế; sai về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng

  • Bước 1: Các bên thông báo cho nhau về sai sót, thỏa thuận về nội dung sai sót và cách điều chỉnh.
  • Bước 2: Người bán và người mua cùng nhau lập biên bản thỏa thuận ghi rõ các nội dung sai sót gồm:
  • Thông tin hóa đơn gốc (số, ký hiệu, ngày lập).
  • Nội dung sai sót và nội dung điều chỉnh.
  • Lý do điều chỉnh.
  • Chữ ký điện tử của cả người bán và người mua.
  • Bước 3: Dựa trên biên bản thỏa thuận, người bán lập HĐĐT điều chỉnh hoặc hóa đơn thay thế HĐĐT đã lập có sai sót như sau:
  • Trường hợp lập HĐĐT điều chỉnh hóa đơn đã lập sai: HĐĐT điều chỉnh HĐĐT đã lập sai phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
  • Trường hợp lập HĐĐT mới thay thế cho hóa đơn điện tử lập sai: HĐĐT mới thay thế HĐĐT đã lập sai phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.
  • Bước 4: Người bán gửi hóa đơn điều chỉnh cho người mua (nếu có thỏa thuận).

Người bán thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng theo hóa đơn gốc và hóa đơn điều chỉnh (nếu có ảnh hưởng đến số thuế).

4. Phần mềm Hóa đơn điện tử Bkav eHoadon sẵn sàng đáp ứng Nghị định 70/2025/NĐ-CP

Phần mềm Hóa đơn điện tử Bkav eHoadon là phần mềm hóa đơn điện tử được tin dùng hàng đầu tại Việt Nam. Phần mềm cập nhật liên tục các quy định pháp luật mới để đáp ứng kịp thời các nghiệp vụ về hóa đơn, chứng từ liên quan đến Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Thông tư 78/2021/TT-BTC và sắp tới là Nghị định 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 01/06/2025

Bkav eHoadon được sử dụng hoàn toàn online, không cần cài đặt, chỉ vài phút là có thể xuất hóa đơn. Giải pháp đảm bảo tính bảo mật, an toàn dữ liệu với Chữ ký số và các giải pháp an ninh của Tập đoàn công nghệ Bkav.

>> Đăng ký sử dụng ngay Phần mềm Hóa đơn điện tử Bkav eHoadon để xuất hóa đơn chuẩn Nghị định 70/2025/NĐ-CP

Đối với doanh nghiệp, việc nắm vững và tuân thủ các quy định mới về xử lý hóa đơn sai sót là vô cùng quan trọng để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra suôn sẻ, tránh các rủi ro pháp lý và xử phạt không đáng có. Việc thích ứng nhanh chóng với quy định mới không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn là cơ hội để hoàn thiện hệ thống quản lý, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động.

Quý khách hàng quan tâm về dịch vụ Hóa đơn điện tử Bkav eHoadon, vui lòng đăng ký tại đây

Tư liệu tham khảo:

- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;

- Thư viện pháp luật;

- Luật Việt Nam.